Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Xây dựng phong cách “nói và làm” của người lãnh đạo
False 19381Ngày cập nhật 01/08/2020

Trong xã hội hiện nay, giữa nói và làm đã có những lệch chuẩn nghiêm trọng cần phải được cảnh báo. Người ta đã lên tiếng nhiều về vấn nạn này trong mọi hoạt động xã hội, nhưng với cán bộ lãnh đạo nói và làm không đi đôi với nhau sẽ còn nguy hại hơn rất nhiều.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ quan điểm kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương khóa mới những người đã mắc phải khuyết điểm “nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm” tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, ngày 23/4/2020. Ảnh: TTXVN

1. Trong một bộ phận cán bộ hiện nay xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, vi phạm kỷ luật như: Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vô trách nhiệm, nói không đi đôi với làm. Trong đó, nói và làm không đi đôi với nhau trở thành một “cố tật” cần đấu tranh xóa bỏ.

Nói nhưng không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo... đang là một thực trạng đáng buồn trong một bộ phận lãnh đạo. Một số cán bộ đã lợi dụng vị trí xã hội, vị trí công tác, lợi dụng người nhẹ dạ cả tin, tiền hô hậu ủng để ca ngợi, tâng bốc cho cá nhân không đúng trong đời thực. Sau khi đạt được mục đích của mình (chẳng hạn nói rất hay trên diễn đàn đại hội) họ dần dần sa vào tình trạng làm không được như nói, hứa lèo, tìm cách che đậy, lấp liếm những việc làm khuất tất. Không thiếu trường hợp nói rất mạnh trong chống tham nhũng, tiêu cực, tiết kiệm của công, nhưng lại tìm cách xà xẻo công quỹ, bòn rút, tiêu xài của công vô tội vạ, bất chấp quy định. Những người có chức quyền nói hay mà không làm, làm dở hoặc vi phạm pháp luật không chỉ là nêu gương xấu mà còn làm mất niềm tin của Nhân dân.

Những biểu hiện như được nêu diễn ra ở một bộ phận cán bộ từ cấp thấp cho đến cấp cao, nhiều người trong số họ giữ vị trí quan trọng trong Đảng, chính quyền. Một điển hình là cựu UVTW Đảng, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Khi mới nhậm chức, ông đã có những phát ngôn để đời: “Không có quyền lực ngoài pháp luật”, “Tiết kiệm là vinh dự, lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân, tham nhũng là có tội với Nhân dân”. Thời điểm đó, cán bộ, Nhân dân không chỉ Đà Nẵng mà cả nước cảm thấy nức lòng, đặt niềm tin vào một cán bộ lãnh đạo trẻ đầy năng lực, quyết đoán, hy vọng phát triển cao hơn nữa. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, ông ta đã bị kỷ luật cách tất cả chức vụ vì tai tiếng trong công tác tổ chức, nhận căn hộ, xe ô tô của đại gia, sử dụng bằng cấp trái quy định.

Thực tế ở một vài cơ quan, địa phương thỉnh thoảng xuất hiện những lãnh đạo đăng đàn diễn thuyết giáo dục, nhắc nhở cấp dưới cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cũng con người đó không lâu sau thanh tra mới lộ ra những hành vi làm trái quy định về quản lý đất đai, tham nhũng kinh tế, vi phạm kỷ luật. Nhiều cán bộ sở hữu nhiều đất đai, biệt thự, đi xe đắt tiền, dùng hàng hiệu... nhưng không kê khai lại còn thanh minh là do ngày trước “lao động thối móng tay”, “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm ”... Những phát ngôn của họ đã gây trò cười, trở thành những câu chuyện tiếu lâm cho thiên hạ đàm tiếu.

2. Cha ông ta ngày xưa lưu truyền về đức “Ngũ thường”: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; trong đó “tín” là lòng tin, uy tín. Người quân tử xử sự có tự trọng, không nói nhiều, đã hứa không nuốt lời, nói đi liền với làm.

Trong thời đại thông tin hiện nay, những phát ngôn của lãnh đạo là tiêu điểm của dư luận, là bằng chứng về lời hứa để người dân giám sát, mong chờ được giải quyết tốt nhất. Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Phát ngôn hay là cần thiết, nhưng làm được chu tất mới là tiêu chí, thước đo cơ bản đánh giá năng lực, uy tín của người lãnh đạo; làm đúng mới giữ được danh dự, hình ảnh đẹp của lãnh đạo trong lòng Nhân dân.

Phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu lãnh đạo chỉ nói nhưng không tự giác chấp hành, tìm cách bòn rút, biển lận công quỹ. Cho nên, phải chống lại căn bệnh “nói không đi đôi với làm”, nói lươn lẹo, ba hoa, sáo rỗng, mị dân; không cho phép nói suông, nói rồi bỏ đấy...

Trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh đạo đức của cán bộ, đảng viên; đề ra những tiêu chuẩn cho quy hoạch, bổ nhiệm và xử lý sai phạm. Quy định 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Ban Bí thư (khóa XII) “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” yêu cầu phải “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm”. Quy định 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của BCH Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương cũng đã chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống biểu hiện “Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.

Trong bài viết mới đây về “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nêu rõ quan điểm kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương khóa mới những người đã mắc phải khuyết điểm “nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm”. Như vậy, Đảng ta đã thấy được hệ lụy của căn bệnh này trong một bộ phận lãnh đạo và quyết tâm chấn chỉnh.

Phong cách “Nói đi đôi với làm” là nguyên tắc cơ bản trong rèn luyện tác phong, đạo đức, là bổn phận, nghĩa vụ cần thực hiện của người đảng viên. Thực hiện chuẩn mực là góp phần xây dựng đạo đức, phong cách và nét văn hóa của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn mới.

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 6.170