Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Ô tô về bản
False 18606Ngày cập nhật 20/06/2020

Khi các tuyến đường trọng yếu lên vùng cao A Lưới, Nam Đông thông suốt; mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn được láng nhựa, ô tô đã về tận các làng bản của bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Cơ Tu…

 

Cao tốc La Sơn-Túy Loan qua huyện miền núi Nam Đông

Mở lối

Trở lại A Lưới lần này, tâm trí vẫn nhớ mãi chuyến lên A Lưới khi mới vào nghề cách đây gần 20 năm. Ngày ấy, tuyến QL49B lên A Lưới nhỏ hẹp uốn lượn giữa đại ngàn Trường Sơn.

Anh Nguyễn Quốc Thạnh, Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế A Lưới là người khá ngọn ngành về đường sá ở đây, vì A Lưới là nơi anh lớn lên từ sau ngày đất nước thống nhất.

Theo anh Thạnh, trước những năm đầu thập niên 90, đường lên A Lưới là nỗi ám ảnh không chỉ với người dân. Theo QL49 B lên A Lưới chưa đầy 80km phải mất nguyên một ngày trầy trật trên những chiếc xe đò. Mỗi lần anh muốn về thăm quê ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) phải đi vòng ra Quảng Trị rồi theo đường Diên Sanh - Mỹ Chánh để vào.

Cán bộ đi công tác ở các bản, làng phải lập đoàn 3-4 người, chuẩn bị thức ăn nước uống để đề phòng xe máy hỏng phải đi bộ giữa đồi, suối. Trên đường lại thỉnh thoảng gặp tấm bảng cảnh báo “cẩn thận - thú dữ”.

Bây giờ, từ trung tâm A Lưới xuôi về các xã Lâm Đớt, Đông Sơn, A Roàng - nơi một thời được xem là rừng thiêng nước độc chỉ mất khoảng 20 phút ngồi xe máy trên những tuyến đường nhựa êm ru. Thành quả này nhờ có các chương trình 135, nông thôn mới, nguồn vốn trung, dài hạn hỗ trợ vùng cao...., góp phần cho những tuyến giao thông kết nối từ trung tâm về cụm xã, bản làng thông suốt. Đường ô tô đã vào tận các thôn bản xa nhất.

Đường đến đâu, phong trào định canh, định cư cũng quy hoạch bám theo mặt lộ và dịch vụ ăn uống, điểm bán hàng, thu mua nông sản cho dân bản cũng bám đường mà phát triển.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm (vừa sát nhập xã Nhâm và xã Hồng Quảng đầu năm 2020) chia sẻ: Nhờ các chương trình 135, nông thôn mới, hệ thống giao thông kết nối với các bản làng, đến các khu sản xuất, như Pi Ây 1, Âr Kêu Nhâm, A Hươr, Kleng A Bung... Đường sá thông thoáng, các chương trình hỗ trợ sinh kế triển khai, đồng bào đã mạnh dạn đề xuất từng loại cây giống, vật nuôi phù hợp, đảm bảo với quá trình sinh trưởng tại địa phương. Cây ngô, sắn, lúa, đặc biệt cây keo, tràm - những cây chủ lực đã giúp đồng bào Pa Cô, Cơ Tu ở đây đổi đời.

Trước đây, sản phẩm sản xuất ra không được giá vì đường sá cách trở, nhưng bây giờ tư thương, ô tô vào tận nơi thu mua. Sản phẩm từ vườn nhà, vườn rừng vừa thu hoạch chỉ điện thoại 1-2 giờ sau là có người mang tiền đến. Chính sự thông thoáng trong giao thương, bà con mạnh dạn vay vốn ngân hàng, nắm bắt xu hướng thị trường để sản xuất kinh doanh, chăn  nuôi, trồng rừng; có hộ doanh thu mỗi năm không dưới 100 triệu đồng. Hiện, con số tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Nhâm còn cao, nhưng chỉ vài năm đến, người dân ở đây hoàn toàn có quyền kỳ vọng về một cuộc sống đủ đầy hơn.

Đổi thay nơi bìa rừng

Ông Hồ Văn Bó, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng thông tin, khi tuyến đường liên xã Long- Quảng thông suốt nối về trung tâm xã, các tuyến về thôn, bản cũng được nhựa hóa và bê tông đến tận nơi.

Đường sá mở ra, nhiều ngôi nhà mới đẹp, khang trang mọc lên, hình thành các khu dân cư sung túc. Bà con bắt đầu khai thác tiềm năng địa phương. Mở hướng chăn nuôi, trồng trọt và làm rừng giúp người dân Thượng Quảng đổi đời sau hàng chục năm loay hoay chưa tìm được lời giải. Hiện ở Thượng Quảng có hơn 500 hộ, phần lớn đều trồng cây keo, cây tràm với hơn 1.000 ha; chưa kể diện tích lúa nước, cây cao su hơn 500 ha.

Ông Nguyễn Văn Phin (thôn 1), từ một gia đình nghèo khó nhưng khi đường sá xuyên suốt ông đã nhạy bén lập nghiệp, bền chí vươn lên trở thành điển hình sản xuất chăn nuôi, trồng rừng giỏi. Mỗi năm gia đình ông thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Từ thành công của mình, ông Phin chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cùng bà con trong vùng tìm hướng thoát nghèo.

Theo lời ông Bó, hiện tại, mô hình như anh Phin, trong xã không ít, đạt hơn 20%. Thành công này nhờ đường sá thông thương, họ đã mạnh dạn chú trọng công việc trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm để đổi đời. Người xây nhà tầng, nhà ngói khang trang, người thì sắm ô tô, xe tải vận chuyển hàng hóa - điều mà chục năm về trước không một người vùng cao nào dám nghĩ đến.

Anh Bó là cán bộ xã, cũng là một điển hình vươn lên từ cần cù, chịu khó làm kinh tế. Anh nói, ngày trước do chưa biết cách làm ăn nên gia đình anh mãi vẫn  nghèo. Đất dù có sẵn, nhưng do cách canh tác chưa phù hợp, mô hình trồng cây nông nghiệp trên đất rẫy lại manh mún nên suốt hàng chục năm, kinh tế gia đình anh vẫn dậm chân tại chỗ.

Quyết tâm thoát nghèo, ngoài những giờ làm việc ở xã, anh Bó ngược xuôi tìm nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng keo, cao su. Hiệu quả sau khi chuyển hướng giúp gia đình anh Bó ổn định cuộc sống, trở thành tấm gương điển hình được bà con địa phương nể phục. Năm vừa rồi anh sắm ô tô để làm phương tiện đi lại...

Nhiều bản làng ở vùng cao A Lưới và Nam Đông hôm nay chúng tôi đã đi qua, một diện mạo mới đã, đang hiện hữu. Bao khốn khó ngày cũ, cứ thế trôi xa theo dòng chảy mưa nguồn. Đổi lấy là khát vọng, là những đổi thay ở vùng đất anh hùng đang từng ngày đổi khác. Nơi ấy, những tuyến đường ô tô hàng ngày ngược xuôi.

 
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.936.091
Truy cập hiện tại 5.061