Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 4/2020
False 13324Ngày cập nhật 09/05/2020
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp
Chiều ngày 5/5, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4/2020 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020; triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; đồng thời thông qua một số Đề án, nội dung quan trọng; tham dự có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành và địa phương thông qua truyền hình trực tuyến nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid 19.

Nhiều chỉ số kinh tế - xã hội giảm do ảnh hưởng dịch covid 19

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong bốn tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 940 nghìn lượt, giảm 46% so với cùng kỳ; khách lưu trú ước đạt 426,9 nghìn lượt, giảm 45,6%; trong đó: khách quốc tế ước đạt 230,1 nghìn lượt, giảm 42,5%. Doanh thu du lịch ước đạt 859 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên các hoạt động du lịch đều tạm dừng, các cơ sở lưu trú toàn tỉnh đã dừng đón khách du lịch.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm ước đạt 12.675,5 tỷ đồng, giảm 11%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 248 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ; ước đạt 23,6% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm ước tăng 1,7% so vời cùng kỳ. Vận tải hành khách ước đạt 6.157,5 nghìn lượt khách, giảm 24,3% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 3.841,5 nghìn tấn, giảm 10,2%. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát ước đạt 869,49 tỷ đồng, giảm 12,2%.

Diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đã gieo cấy 28.667 ha đạt 100% kế hoạch; đến nay lúa đã trổ, chín khoảng 28.157 ha, đã thu hoạch khoảng 50 ha. Tổng đàn lợn hiện có hiện có 137.830 con, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước đạt 13.860 tấn, tăng 4,5%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 11.533 tấn, tăng 3,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 2.3271 tấn, tăng 10%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5.606,6 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch năm, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến ngày 17/4/2020, có 196 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.212 tỷ đồng, tăng 05 doanh nghiệp và tăng 1,57 lần về vốn. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 81 doanh nghiệp, giảm 27%. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 215 doanh nghiệp, tăng 30%; giải thể 23 doanh nghiệp, giảm 01 doanh nghiệp. Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, đã khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

Trong 04 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 2.607 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lượng lao động bị ngừng việc đến tháng 4 gần 7.000 lao động, trong đó có khoảng 2.500 được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động văn hóa - xã hội, nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao bị hoãn hoặc tạm dừng.

Nhiều nội dung của Nghị quyết 54 đã được triển khai thực hiện

Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND ngày 28/02/2020 triển khai Chương trình hành động số 69-CTr/TU. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án: Đề án xây dựng Bộ tiêu chí về thành phố Trực thuộc Trung ương cho đô thị có tính chất đặc thù di sản; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án mở rộng địa giới thành phố Huế; Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

Đến nay, UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết về: Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện đang tập trung hoàn chỉnh các đề án, chuẩn bị trình xin ý kiến HĐND tỉnh và các cơ quan Trung ương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Về lập nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 25/3/2020 (do trong bối cảnh dịch Covid-19). Đến nay, tỉnh đã tiếp thu góp ý của các Bộ, ngành Trung ương và hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình Thủ tướng phê duyệt.

Tại kỳ họp này, Giám đốc Sở Tài chính đã có báo cáo đánh giá những tác động của dịch Covid-19 gây ra đối với thu, chi ngân sách tỉnh năm 2020; đồng thời triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn thu, cân đối thu, chi ngân sách. Theo Sở Tài chính cho biết, trong những tháng đầu năm, nhiều nguồn thu bị hụt nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tháng tới cũng như triển khai các giải pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch; các giải pháp để đảm bảo nguồn thu, cân đối thu, chi ngân sách, lãnh đạo Cục thuế tỉnh cho rằng, bên cạnh một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh trong đó có việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất... thì sẽ tập trung rà soát, quản lý tốt các nguồn thu không bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19, nguồn thu vãng lai... để bù đắp các nguồn bị hụt thu do ảnh hưởng dịch bệnh.

Biến thách thức, khó khăn thành cơ hội

Nhiều thành viên dự họp cho rằng, do hưởng bởi dịch covid 19, cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh Thừa Thiên Huế phải đối mặt với một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên chúng ta cũng có nhiều cơ hội. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, nhìn lại trong quá trình bị ảnh hưởng dịch covid 19, chúng ta sẽ thấy bên cạnh những mặt khó khăn, thì cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà nhìn nhận, đánh giá năng lực của mình, có những quyết sách phù hợp cho giai đoạn hậu covid 19 với việc tận dụng những thế mạnh của mình để phát triển mạnh hơn; Tỉnh cũng phải nhanh nhạy nắm bắt những cơ hội mới trong công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư cũng như có kế hoạch, giải pháp để đón đầu xu thế dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư từ châu Âu, phương Tây... vào Việt Nam. Bên cạnh đó là tiếp tục thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy quá trình phát triển chính phủ điện tử... 

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 thì phải đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu đó là: phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sẵn sàng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung ưu tiên tạo điều kiện hỗ trợ để khởi công các dự án ngoài ngân sách và đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án trong ngân sách để giải ngân vốn.

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương. Trước mắt, tập trung rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Về các nhóm giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ, ổn định sản xuất kinh doanh. Xây dựng kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ “Hậu Covid-19”. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình hiện nay. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư tại địa bàn; tích cực hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, phấn đấu mỗi tháng có một dự án được khởi công. Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ ưu tiên tập trung các dự án chỉnh trang đô thị, để tạo bộ mặt đô thị khang trang, góp phần thay đổi diện mạo đô thị tỉnh nhà; cũng như tập trung thực hiện các nội dung quan trọng của Nghị quyết 54.

Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở ngành có liên quan chuẩn bị sẵn sàng các gói kích cầu du lịch nhằm khôi phục phát triển ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết 42 của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sót đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách trên địa bàn. Sở NN&PTNT và các địa phương tập trung đẩy mạnh tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi theo hướng tập trung, an toàn sinh học. Nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản chủ lực khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp tăng cao trong và ngoài nước sau khi công bố hết dịch.

Cũng tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã thảo luận thông qua các Đề án liên quan đến Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế; Điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài mở rộng (giai đoạn IV), thị xã Hương Thủy.

 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Võ Thị Thanh Tuyền
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.027