Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Xây dựng "Làng văn hóa dân tộc Cơ Tu" huyện Nam Đông giai đoạn 2016 - 2020
False 44371Ngày cập nhật 25/04/2016

1. MỤC TIÊU

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng, bảo tồn Làng văn hóa toàn diện cả văn hóa vật thể và phi vật thể đúng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp thế hệ người Cơ Tu hiện nay và mai sau hiểu biết và giữ gìn truyền thống văn hóa của mình; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với phát triển văn hóa, giữa bảo tồn và kết hợp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng một Làng văn hóa với qui mô phù hợp; kiến trúc hài hòa với điều kiện tự nhiên, cảnh quan của vùng, đúng bản sắc truyền thống.

- Phục hồi văn hóa phi vật thể đúng bản sắc, nghiên cứu lịch sử văn hóa phi vật thể phục hồi những truyền thuyết có tính hấp dẫn.

- Phục hồi văn hóa, tập quán sản xuất, bố trí không gian sản xuất để tái hiện các mô hình sản xuất truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

- Tái hiện cảnh quan môi trường xanh về rừng núi xung quanh Làng văn hóa theo hướng xanh, đa dạng các loài cây bản địa để phục vụ học tập, nghiên cứu, tham quan, nghỉ mát cho khách du lịch.

- Truyền thống đánh giặc giữ làng của dân tộc Cơ Tu như: vũ khí tự tạo, chông, bẫy các loại, cung, nỏ, hầm hào trú ẩn, bếp hoàng cầm....

- Nâng cao năng lực quản lý văn hóa, khai thác du lịch cộng đồng đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn, phát triển và bền vững.

2. NHIỆM VỤ

a) Qui hoạch tổng thể:

- Địa điểm xây dựng: Đằm Pa-Xây, thuộc thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Diện tích qui hoạch: 80.000m2 .

- Qui hoạch các phân khu chức năng gồm: Phân khu trung tâm diện tích 13.300m2; Phân khu nhà Sàn diện tích 13.500m2; Phân khu dân cư và nông nghiệp truyền thống diện tích 21.600m2; Phân khu vành đai cảnh quan diện tích 17.600m2.

- Qui hoạch hệ thống các công trình phục vụ:

- Xây dựng cầu treo từ Hương Lộc sang Làng văn hóa; Đường giao thông nội bộ trong Làng; 02 cổng vào Làng; 02 bãi đổ xe; Hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước; Kè đá; bố trí 05 chòi ngắm cảnh; đường từ Thôn dỗi vào Làng văn hóa.

b) Bảo tồn văn hóa vật thể:

- Xây dựng 01 nhà Gươl: Kích thước: Đảm bảo 200 chỗ ngồi, diện tích xây dựng 500m2. Vật liệu và kết cấu: Móng, trụ, dầm bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ; sàn, thân, cửa, đòn tay bằng gỗ; mái lợp bằng tôn và lá mây hèo.

- Xây dựng nhà Dài: Diện tích 400m2 được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn truyền thống tương tự nhà Gươl; Vật liệu và kết cấu tương tự nhà Gươl.

- Cây Niêu: Chiều cao: 7.0m, đường kính 0.6m.

- Nhà sàn 6 xã kết hợp nhà nghỉ của khách: Diện tích: 60m2, vật liệu kết cấu tương tự nhà Gươl.

- Nhà ở của 12 hộ gia đình là nhà sàn: Diện tích: 200m2, bao gồm cả nhà ở và sân; kiến trúc theo nhà sàn truyền thống; vật liệu kết cấu tương tự nhà Gươl.

- Nhà mồ: Diện tích: 20m2.

- Đồ dùng, dụng cụ, nhạc cụ, vũ khí: Sưu tập dụng cụ sản xuất, đồ dùng, nhạc cụ, trang phục, vũ khí thô sơ, hiện vật lịch sử chống giặc ngoại xâm truyền thống...để trưng bày tại nhà Dài.

c) Bảo tồn văn hóa phi vật thể: Bảo tồn văn hóa phi vật thể bao gồm các lễ hội như: Ăn mừng lúa mới; các làn điệu dân ca, hò vè, đối đáp và một số điệu múa tiêu biểu của người Cơ Tu. Cách thức bảo tồn: Thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống thông qua các sự kiện lớn của tỉnh, huyện, xã, trên địa bàn dân cư...

d) Bảo tồn văn hóa nông nghiệp truyền thống: Xây dựng phân khu nông nghiệp phục vụ tham quan của khách du lịch bao gồm tái hiện các mô hình canh tác, các loài cây, dụng cụ sản xuất truyền thống. Đồng thời tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách du lịch, tạo nguồn thu nhập cho các hộ định cư tại Làng như: Tái hiện mô hình canh tác lúa cạn xen ngô, sắn xen các loại đậu, mô hình canh tác cây ăn quả xen cây thực phẩm.

          e) Xây dựng vành đai xanh và trồng cây cảnh quan: Xây dựng vành đai cảnh quan theo hướng tạo vành đai xanh bảo vệ Làng, cải thiện môi trường. Đồng thời tạo thành vườn thực vật phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, học sinh trên địa bàn Tỉnh. Tổ chức trồng cây xanh tạo bóng mát và các loại hoa bằng các giống cây bản địa.

f) Phục hồi văn hóa nghề thủ công truyền thống và ẩm thực: Các nghề cần phục hồi và tổ chức sản xuất gồm dệt vải truyền thống (dệt Zèng), đan lát các vật dụng gia đình (gùi, túi xách...), các loại nhạc cụ, các sản phẩm điêu khắc; chế biến thực phẩm như rượu cần, cơm lam, ớt tiêu muối, tiêu rừng, mật ong rừng...

g) Khai thác du lịch và phát triển sinh kế cho các hộ định cư: Tổ chức xây dựng, quảng bá, khai thác du lịch ở Làng văn hóa nhằm tạo việc làm và tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng, đồng thời quảng bá văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu. Tạo nguồn thu nhập cho các hộ định cư tại Làng văn hóa từ hoạt động khai thác dịch vụ du lịch như: dịch vụ biểu diễn văn nghệ truyền thống, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ phục vụ cắm trại; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mĩ nghệ...

h) Tổ chức quản lý, duy tu bảo dưỡng Làng văn hóa

- Tổ chức quản lý: Thành lập tổ chức quản lý Làng văn hóa nhằm mục đích quản lý các cơ sở vật chất văn hóa, phát triển văn hóa truyền thống gắn kết với tổ chức khai thác du lịch theo hướng bền vững. Cụ thể: thành lập tổ chức cộng đồng; Tổ hoặc nhóm sản xuất và khai thác du lịch để quản lý kinh tế của Làng; Xây dựng Qui chế hoạt động của tổ, nhóm và thực hiện đảm bảo sự phát triển của Làng theo hướng bền vững.

- Trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng các công trình của Làng văn hóa: Đối với cộng đồng, tổ, nhóm chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản tại Làng văn hóa. Chịu trách nhiệm trích từ nguồn thu sản xuất và dịch vụ để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tất cả các công trình của Làng; UBND huyện đầu tư nâng cấp theo định kỳ các công trình nhà Gươl, nhà dài, nhà sàn, hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nước...

3. GIẢI PHÁP

a) Công bố, đóng mốc qui hoạch và quản lý: Sau khi Qui hoạch và Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện tiến hành công bố qui hoạch để cán bộ và nhân dân biết để thực hiện. Xây dựng và thực hiện Qui chế quản lý qui hoạch nhằm tăng cường quản lý qui hoạch theo đúng quyết định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phòng ngừa tình trạng thực thi sai qui hoạch, lấn chiếm đất.

          b) Giải phóng mặt bằng: Vận động nhân dân có đất tại đằm Pa Xây thực hiện chủ trương của huyện để xây dựng Làng văn hóa và có phương án đền bù phù hợp.

          c) Huy động nguồn lực: Đề xuất bổ sung kế hoạch trung hạn, chủ trương đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh. Ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp một phần để xây dựng các công trình trong khả năng ngân sách.

          d) Chọn hộ định cư tại Làng văn hóa và chính sách hỗ trợ: Chọn hộ định cư tại Làng văn hóa, thường xuyên duy trì 12 hộ. Hỗ trợ đất ở 200m2, đất sản xuất 1.800m2, hỗ trợ theo hình thức hợp đồng khoán đất có thời hạn, không thu tiền sử dụng đất, không giao đất. Hỗ trợ 100% kính phí làm nhà cho 12 hộ dân theo mẫu thiết kế của huyện. Hỗ trợ các hoạt động sản xuất; đào tạo nghề phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại khu văn hóa; hỗ trợ lương thực cho hộ gia đình theo mức qui định của Nhà nước.

          e) Tham vấn của cộng đồng và người hiểu biết: Tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng, người cao tuổi, người có hiểu biết trong các hoạt động xây dựng và bảo tồn Làng văn hóa truyền thống.

g) Kêu gọi đầu tư, khai thác du lịch, quản lý khai thác Làng văn hóa: Tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch hồ thủy điện Thượng lộ kết hợp du lịch cộng đồng tại Làng Văn hóa. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch kết nối tua du lịch từ Huế đến Làng văn hóa và du lịch sinh thái tại Hồ thủy điện. Đào tạo kỹ năng cho người quản lý, khai thác, mở các lớp đào tạo về kỹ năng để tham gia mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên cho khách du lịch; các khóa đào tạo dịch vụ ẩm thực cho khách nghỉ ngơi tại Làng.

h) Thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án: Ban điều hành thực hiện Đề án do Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, trưởng phòng Văn hóa và Thông tin làm phó ban trực, thành viên là thủ trưởng các phòng Tài chính- Kế hoạch, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Đầu tư và Xây dựng; chủ tịch UBND xã Thượng Lộ và các phòng, ban liên quan. Ban điều hành thực hiện Đề án có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện cả giai đoạn và hàng năm; tìm kiếm nguồn kinh phí thực hiện, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo Đề án; xây dựng Qui chế hoạt động của Ban đảm bảo hoạt động hiệu quả.

4. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

a) Thời gian: Đề án thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.

b) Kinh phí thực hiện: Dự kiến tổng mức đầu tư: 65.483.000.000 đồng (Sáu mươi lăm tỷ, bốn trăm tám mươi ba triệu đồng)

           Phân theo nguồn đầu tư:

  • Ngân sách Trung ương, Tỉnh: 60.000.000.000đ (Sáu mươi tỷ đồng)
  • Ngân sách huyện: 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng)
  • Ngân sách các xã: 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng)
Tập tin đính kèm:
Ban biên tập
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 2.091