Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐÔNG - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
False 33936Ngày cập nhật 02/03/2021

1. Giáo dục và Đạo tạo Nam Đông trong những năm đầu sau khi tái lập huyện

Ngược lại thời gian cách đây vừa tròn 30 năm, trong những ngày đầu tái lập huyện, sự nghiệp giáo dục của huyện nhà còn nhiều khó khăn, vất vã về mọi mặt. Mạng lưới trường lớp chưa đồng bộ và rộng khắp. Lúc này, bậc học Tiểu học (TH) gắn liền với 09 trường với hơn 30 điểm lẻ được sử dụng dạy học đối với các lớp tiểu học và mầm non. Mặc dù địa bàn rộng, địa hình cách trở nhưng chỉ có 03 trường Phổ thông cơ sở, 01 trường Thanh niên dân tộc huyện tổ chức dạy học cho cả cấp I, cấp II và nhô cấp III. Hệ thống Giáo dục thường xuyên chưa được thành lập, trường Trung học phổ thông (THPT) và trường Mầm non (MN) chưa có.

 

Cơ sở hạ tầng toàn huyện nói chung, giáo dục nói riêng còn quá nghèo nàn. Trường lớp ở rất nhiều điểm còn tranh tre nứa lá, tạm bợ, chắp vá, bàn ghế không đủ chỗ ngồi, đồ dùng học tập của học sinh, dạy học của giáo viên và các phương tiện khác còn thiếu thốn không đáp ứng các điều kiện cho việc dạy và học. Nhiều trường phải tổ chức học 3 ca, chương trình hay bị cắt xén do không đủ thời gian nên chất lượng dạy và học không đạt theo yêu cầu.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu; trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, đa số cán bộ, giáo viên là con em ở địa phương được đào tạo cử tuyển với chương trình cấp tốc. Một số cán bộ giáo viên các tỉnh khác đến chưa yên tâm công tác, an cư lạc nghiệp, bỏ nghề. Đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ quá khó khăn so với một số nghề khác nên chưa động viên, thu hút được nhân lực cho giáo dục.

Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp tại thời điểm này đạt thấp, đặc biệt việc huy động học sinh dân tộc thiểu số hết sức khó khăn, học sinh đi học có nhiều độ tuổi khác nhau, đi học không chuyên cần, số lượng học sinh ở các cấp bỏ học nhiều. Chất lượng và hiệu quả giáo dục không cao. Chất lượng mũi nhọn hầu như bỏ ngõ, không được quan tâm.

Tọa đàm kỳ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam

Trong thời gian này, điều kiện kinh tế - xã hội nói chung, điều kiện phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, sự phát triển còn chậm. Nhưng với quyết tâm cao, song song với các chủ trương, chính sách, kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, xác định giáo dục phải đi trước một bước, coi giáo dục là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nên trong những năm đầu tái lập, UBND huyện đã tập trung các nguồn lực ưu tiên để củng cố, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Năm 1997, UBND huyện đã thực hiện chủ trương tách hệ thống giáo dục mầm non ra khỏi hệ thống các trường tiểu học, thành lập mỗi xã 01 trường mầm non hệ bán công và chỉ duy nhất 01 trường mầm non hệ công lập đó là trường Mầm non Liên cơ. Lúc này, hệ thống giáo dục của Nam Đông từng bước được củng cố, mạng lưới trường, lớp được phân bố đều khắp. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, cùng với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã từng bước đầu tư cho giáo dục. Tập trung đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, hệ thống phòng học cho các cấp học, ngành học theo hướng kiên cố hóa; trang bị bàn ghế đúng quy cách, phòng học đủ ánh sáng, sân chơi bãi tập rộng rãi, đặc biệt là sự đầu tư lớn về mua sắm các trang thiết bị dạy học, đồ dùng, sách giáo khoa từng bước đáp ứng tốt cho công tác dạy học.

2. Những bước tiến mới của Giáo dục và Đào tạo Nam Đông sau khi thực hiện thành công 02 Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục”

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu giúp UBND huyện triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục” giai đoạn 2003-2007, kể từ năm học 2002-2003. Đây cũng là năm học mà toàn ngành triển khai thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục Phổ thông theo Nghị quyết số 40/NQ-QH của Quốc hội; Chỉ thị số 14/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 14/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Qua 5 năm, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục” của UBND huyện, ngành giáo dục - đào tạo đã gặt hái được một số thành quả và đã đạt được một số chỉ tiêu cơ bản của Đề án. Năm 2003, thực hiện chuyển đổi mô hình của 08 trường mầm non dân lập sang mô hình trường công lập, 03 trường mầm non dân lập sang mô hình bán công phù hợp với đặc điểm và đặc thù của địa phương, tạo được mạng lưới hệ thống trường lớp cân đối giữa các ngành học, cấp học. Năm học 2002 -2003, toàn huyện có 11 trường Mầm non, 12 trường Tiểu học, 02 trường THCS, 01 Trường THPT, 01 TTGDTX&HNDN. Đến năm 2005, tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện thành lập trường THCS thị trấn Khe Tre. Tại thời điểm này, hệ thống trường lớp của ngành học Mầm non và bậc Tiểu học ổn định, bậc Trung học đang từng bước phát triển phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp chung trên toàn huyện. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được chú trọng, ngành tích cực tham mưu cho lãnh đạo các cấp tăng cường xây dựng, trang cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngày càng hoàn thiện. Tập trung chỉ đạo các trường, các ngành học xây dựng các chuẩn nội lực, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng lộ trình trường đạt chuẩn quốc gia. Tại thời điểm tháng 5/2007 toàn huyện mới có 02 trường đạt chuẩn quốc gia (1 trường TH và 1 trường MN).

Lãnh đạo huyện chúc mừng thí sinh đạt giải

Phát huy thành quả đã đạt được của việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục” giai đoạn 2003-2007, năm 2012 ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu UBND huyện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh dân tộc thiểu số” giai đoạn 2012-2016, nhằm tạo điều kiện để các em học tập, lĩnh hội tri thức, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển kinh tế - xã hội. Tạo bước đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, coi trọng phát triển chất lượng đại trà, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém trong các cấp học, ngành học, nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ CNH - HĐH đất nước và xây dựng huyện Nam Đông sớm đạt chuẩn nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV. Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2 cho đến năm 2021.

Có thể khẳng định rằng, sau khi triển khai thực hiện 02 Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục” ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Đông đã có nhiều bước tiến mới toàn diện. Kết quả nổi bật, đó là:

- Về huy động số lượng: Tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 41,8%, mẫu giáo đạt 99,32%, cháu 5 đạt 99,84%; tỷ lệ huy động bậc tiểu học đạt 100% , có 100% học sinh học 2 buổi/ngày, có 06 trường tổ chức bán trú cho học sinh; tỷ lệ huy động bậc trung học cơ sở đạt 98,6%, có 70,37% lớp học 2 buổi/ngày.

- Về chất lượng giáo dục: Nhà trẻ tỷ lệ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân 4,38%, thấp còi 6,9%; mẫu giáo suy sinh dưỡng thể nhẹ cân 4,81%, thấp còi 6,48%. Tỷ lệ cháu 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Tỷ lệ học sinh Trung học cơ sở khá, giỏi đạt 65,54%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh Trung học phổ thông khá, giỏi đạt 54,3%. Không có các hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật và tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường và không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu, kém.

3. Những thành tựu và dấu ấn của Giáo dục và Đào tạo Nam Đông sau 30 năm tái lập huyện

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vươn lên của thầy, cô giáo và các em học sinh, trải qua chặng đường 30 năm ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Đông đã đạt được những dấu ấn và thành quả vượt bậc đáng trân trọng.

Năm 1996, là một trong những đơn vị đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Tiểu học sớm trong toàn tỉnh, đến năm 2004 huyện đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và Phổ cập Trung học cơ sở, đặc biệt vào năm 2013 Nam Đông là huyện đầu tiên trên toàn tỉnh đạt Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2019, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp học, bậc học được nâng lên: Đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 2, XMC đạt mức độ 2 (10/10 xã, thị trấn đạt mức độ 2).

Số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh hằng năm tăng, đã có nhiều học sinh thi đỗ vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương và Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng bình quân hằng năm đạt trên 42%, đặc biệt từ năm 2010 đến nay đã có nhiều lượt học sinh đạt huy chương và đạt giải cấp quốc gia môn Toán, Tiếng Anh và các môn năng khiếu khác. Tiêu biểu, có em Đặng Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Trường đạt huy chương Đồng cuộc thi Violympic Toán cấp quốc gia; em Lê Ngọc Duy đạt huy chương Bạc và em Trần Lê Nhật Huy đạt giải Khuyến khích cuộc thi Violympic Tiếng Anh cấp quốc gia; em Nguyễn Thị Ngọc Hân đạt giải nhất cấp quốc gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước”.

Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường cơ bản đủ về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên, công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên được tăng cường, 100% giáo viên các cấp học đạt trình độ chuẩn, có 32 cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sĩ. Quy mô trường lớp được quy hoạch hợp lý, cơ sở vật chất trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ phòng học kiên cố và cao tầng ngày càng cao ở các cấp học, bậc học đạt cao, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng trường chuẩn quốc gia nên đã đáp ứng tốt nhu cầu dạy học của giáo viên và học sinh.

Hiện nay, toàn huyện có tổng số 25/28 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 89,28% (MN 10 trường, TH 10 trường, THCS 04 trường, THPT 01 trường). Trong đó, có 05 trường TH đạt chuẩn mức độ 2. Đây là một con số rất ấn tượng so với các huyện trên địa bàn tỉnh. Đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã có 27/28 trường được đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 96,42%. Trong đó, có 11/11 trường mầm non (đạt cấp độ 1 có 06 trường, cấp độ 2 có 01 trường và cấp độ 3 có 04 trường); có 10/10 trường tiểu học (đạt cấp độ 1 có 02 trường, cấp độ 2 có 03 trường, cấp độ 3 có 05 trường); có 5/6 trường THCS/TH&THCS (đạt cấp độ 1 có 04 trường, cấp độ 2 có 01 trường) và 1 trường THPT đạt cấp độ 1.

Với những thành tích đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Đông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện nhà đã và đang có những bước tiến vượt bậc cả về quy mô phát triển và chất lượng giáo dục và đào tạo. Từ chỗ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mỏng, chất lượng giáo dục chưa cao, đến nay huyện nhà đã ngày càng khẳng định được vị thế so với các huyện trong tỉnh về chất lượng giáo dục, về kết quả phổ cập giáo dục, đặc biệt là tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng. Hy vọng, với những kết quả đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Đông sẽ có nhiều bước tiến khởi sắc hơn nữa, góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước./.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện

Lê Minh Huân
Các tin khác
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 1.548