Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
False 24297Ngày cập nhật 08/02/2021

Nam Đông có 9 xã và 01 thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 2.423 hộ, 11.044 khẩu, chiếm hơn 43% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Cơ tu và một số ít các dân tộc khác như Tà ôi, Pa cô, Pa hy, Vân kiều... sống đang xen lẫn nhau.

 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện miền núi Nam Đông đã nêu cao tinh thần yêu nước, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, đóng góp sức người, sức của, cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày hoà bình lập lại, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Đông luôn đoàn kết nhất trí một lòng, theo Đảng và Nhà nước, không ngừng nỗ lực phấn đấu, tăng gia sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Với những kết quả đó, năm 2005 huyện vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đây là niềm tự hào cũng là động lực để cán bộ và nhân dân huyện nhà tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Nam Đông ngày càng phát triển. Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật, đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số đóng một vai trò không nhỏ.

Trong 30 năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (PBPL) nói riêng trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rất tích cực. Hằng năm, trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBPL phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương. Hội đồng phối hợp PBPL huyện đã đôn đốc đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên chuẩn bị đề cương, văn bản nhằm tổ chức tuyên truyền pháp luật từ huyện đến tận thôn bản, khu dân cư.

Những năm trước đây, người đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu theo kiểu du canh du cư, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận bà con còn nhiều hạn chế. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đồng bào dân tộc thường bị chi phối bởi những Luật tục, tập quán cũ nên nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật là rất cao. Đặc biệt là những tập quán lạc hậu về lao động sản xuất, hôn nhân gia đình, tín ngưỡng ...đã ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc từ nhiều đời nay. Đã có những trường hợp kết hôn vi phạm các điều cấm, tình trạng vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, phá rừng trái phép làm nương rẫy, tranh chấp khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thực thi pháp luật và trật tự trị an thôn xóm.

Từ khi thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBPL về tận thôn,  khu dân cư bà con đồng bào dân tộc được nghe, hiểu các quy định của pháp luật nên tình trạng vi phạm pháp luật của bà con đã có chiều hướng giảm, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc không ngừng được tăng lên, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự kỹ cương, kỹ luật và tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Để thực hiện công việc tưởng chừng như đơn giản đó, cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã cử các báo cáo viên pháp luật thường xuyên về tận các thôn bản, bám sát kế hoạch, thực hiện theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Các Báo cáo viên, Cộng tác viên được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền phải nghiên cứu, lựa chọn phương pháp truyền đạt sao cho dễ hiểu, phù hợp với khả năng tiếp thu của bà con, mặt khác phải tìm hiểu thật kỹ những phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết và kỹ năng ứng xử của bà con tạo thành sự thân quen, gần gủi. Nội dung và hình thức tuyên truyền cũng được biên soạn sao cho hợp lý, thực hiện phương châm bốn dễ: “Dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện”. Hình thức tuyên truyền cũng được triển khai đa dạng, nếu như trước đây việc tuyên truyền pháp luật chủ yếu thông qua các hội nghị thì nay các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn đã có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện công tác này một cách đồng bộ, áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng như: Tuyên truyền qua các hội nghị; thông qua việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cơ sở; lồng ghép vào hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, các câu lạc bộ pháp luật; thông qua các phiên tòa xét xử lưu động; phát sóng trên hệ thống truyền thanh, truyền hình huyện; cấp phát tờ gấp, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở cơ quan, nhà văn hóa cộng đồng... Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân trên địa bàn tham gia học tập các nghị quyết của Đảng, chích sách pháp luật của Nhà nước đạt tỷ lệ cao. Số thôn, xã  tổ chức đưa bản tin có nội dung pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các xã định canh định cư đạt 100%; toàn huyện hiện có 60 tổ hòa giải cơ sở, tỷ lệ việc hòa giải thành hằng năm bình quân đạt trên 93%; có 9/9 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí 18.5 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ.  

Tuyên truyền pháp luật Lâm nghiệp tại thôn A Tin, xã Thượng Nhật

Có được kết quả như trên trước hết là sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, một sự phấn đấu không ngừng của các cơ quan, đoàn thể trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự chủ động tích cực của tập thể và các cá nhân của những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền đã không quản ngại khó khăn về tận các thôn xa xôi như: Thôn A Rò xã Thượng Quảng, thôn A Xăng Thượng  Long, thôn A Tin xã Thượng Nhật....tổ chức tư vấn, tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức lồng ghép sinh động, vừa phù hợp với truyền thống tốt đẹp của đồng bào, vừa dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đưa pháp luật về tận đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm: “Sống và làm việc theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” đã và đang đặt ra cho những người làm công tác tuyên truyền những khó khăn cần vượt qua. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng nhận thức pháp luật của một số bà con còn hạn chế. Mỗi khi đã nói đến quyền lợi hợp của công dân được pháp luật bảo vệ, nhưng bản thân họ chưa hiểu đúng và hiểu đủ thì không thể tự bảo vệ mình. Mặt khác, pháp luật nước ta quy định “Quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau”. Không hiểu hết pháp luật thì cũng không thấy được nghĩa vụ của công dân phải làm gì đối với quê hương và Tổ quốc, dẫn đến thực trạng không chấp hành pháp luật, hoặc chấp hành chưa nghiêm. Qua thực tế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện những năm qua cho thấy nhận thức pháp luật của bà con tuy có tăng lên nhưng một bộ phận người dân vẫn còn ảnh hưởng phong tục, tập quán cũ nên nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra.

Khó khăn là vậy, nhưng kết quả mà công tác tuyên truyền PBPL trên địa bàn huyện mang lại đã phần nào làm cho những người thực hiện công tác tuyên truyền cảm thấy vui hơn. Họ hăng hái, tự nguyện, đam mê và tận tụy bởi công việc tuy vất vả nhưng đã đem lại cái lớn hơn đó là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đồng bào mình, các dân tộc mình. Vì hạnh phúc mỗi người, vì sự nghiệp cách mạng, vì sự phát triển xã hội của hôm nay và cả mai sau, những người làm công tác tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông vẫn ngày đêm miệt mài công việc. Bởi muốn thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững thì trước hết phải làm cho đồng bào mình hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi khi nhận thức pháp luật của bà con được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật trở nên tự giác thì những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội được đẩy lùi, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền vững mạnh./.

Phòng Tư pháp huyện Nam Đông

Lê Minh Huân
Các tin khác
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 2.457