Tìm kiếm
BÁO CÁO Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020
False 84002Ngày cập nhật 02/06/2019

Thực hiện Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tổng kế 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

 UBND huyện Nam Đông báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trên địa bàn như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa huyện Nam Đông đến năm 2020 là làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược văn hóa. Trọng tâm là bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát triển thiết chế văn hóa ở địa phương; qua đó trở thành mục tiêu và động lực thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững đảm bảo giữ vững an ninh trên địa bàn huyện.

1.     Thuận lợi

Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách quan tâm tới sự phát triển kinh tế, xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc được quan tâm triển khai. Công tác đầu tư về thiết chế văn hóa và nguồn lực ở cơ sở được chú trọng thực hiện.

2.     Khó khăn

Là một huyện miền núi điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các xã; cơ sở hạ tầng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc tuy được quan tâm nhưng mức đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều di sản văn hóa truyền thống của dân tộc chưa được nghiên cứu, bảo tồn. Còn ít người có hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu trên địa bàn.

Cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư cho hoạt động văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

II. KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

          Trong những năm qua trên địa bàn huyện Nam Đông, công tác triển khai thực hiện các mục tiêu về Chiến lược phát triển văn hóa được Đảng bộ, chính quyền luôn quan tâm, chú trọng. Quán triệt và triển khai đầy đủ các văn bản trên địa bàn huyện: Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 (khóa VIII), kết luận hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương đảng (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2020; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020 về xây dựng Làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu huyện Nam Đông; Kế hoạch số 15 ngày 25/02/2013 của UBND huyện Nam Đông về thực hiện Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn huyện; Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 21/3/2016 của UBND huyện Nam Đông về xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cơ tu huyện Nam Đông giai đoạn 2016-2020 và các văn bản khác có liên quan

2.     Đánh giá về việc tổ chức thực hiện Chiến lược

2.1. Kết quả đạt được

2.1.1. Về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về giá trị, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội

- Chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nội dung theo sự phân công trách nhiệm thực hiện kế hoạch Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của Chiến lược phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

- Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chiến lược phát triển văn hóa tại địa phương.

2.1.2. Về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Huy động nguồn lực của toàn xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện đã có 02 di tích được xếp hạng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh; mở 06 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu như đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa truyền thống và đan lát đã thu hút hơn 150 học viên tham gia,..

2.1.3. Về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và Nghị định được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và trong vùng đồng bào có đạo; hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định; tăng cường công tác vận động quần chúng đấu tranh, kiên quyết xóa bỏ các loại tà đạo, đạo lạ; đồng thời đấu tranh các phần tử đội lốt tôn giáo lôi kéo, dụ dỗ quần chúng vào các hoạt động trái pháp luật, vì vậy tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào có đạo ổn định; các tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

2.1.4.   Về sự hình thành chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới

Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quy tắc, chuẩn mực đạo đức dần biến đổi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa các giá trị đạo đức cũ hoàn toàn mất đi, thay vào đó là các giá trị đạo đức mới. Các giá trị đạo đức hiện nay là sự kết hợp sâu sắc truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với xu hướng tiến bộ của thời đại, của nhân loại. Đó là tinh thần cần cù, sáng tạo, yêu lao động; tình yêu quê hương, đất nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, có lối sống văn minh, lành mạnh; có tinh thần nhân đạo và tinh thần quốc tế cao cả. Giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành. Tính năng động và tích cực công dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích.

Tuyên truyền tới 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương và cộng đồng dân cư thực hiện quy tắc ứng xử, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Đôn đốc cơ sở xây dựng và thực hiện sửa đổi, bổ sung nội dung quy ước, hương ước theo quy định mới để thẩm định, phê duyệt. Tính đến nay đã có 180 bản quy ước, hương ước thôn, tổ đân phố đã được phê duyệt và bổ sung sửa đổi.

2.1.5.   Về phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các hoạt động xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người được chú trọng, các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy, xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu; chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc ngày càng tiến bộ hơn.

Kết quả thực hiện hàng năm thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, số gia đình, đạt danh hiệu văn hóa, cụ thể:

- Danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa: năm 2015 có 10/60 thôn đạt chuẩn văn hóa (đạt 16,66%); năm 2016 có 11/60 thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 18,3%; năm 2017 có 22/60 thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 36,6%; năm 2018 có 31/60 thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 51,6%, tăng 35% so với năm 2015.

- Danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa: năm 2015 có 49/83 cơ quan đạt chuẩn văn hóa (đạt 59%); năm 2016 có 51/83 cơ quan đạt chuẩn văn hóa (đạt 61%); năm 2017 có 54/83 cơ quan đạt chuẩn văn hóa (đạt 65%); năm 2018 có 61/86 cơ quan đạt chuẩn văn hóa (đạt 71%) tăng 12 % so với năm 2015.

- Danh hiệu gia đình văn hóa: năm 2015 có: 4.923/5.925 gia đình được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 83%); năm 2016 có: 4.980/5.985 gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 83,2%); năm 2017 có: 5.071/5.934 gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 85,4%); năm 2018 có: 5.386/6.217 gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 86,63%); tăng 3,63% so với năm 2015.

- Việc cưới, việc tang, lễ hội, lễ hội đã được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, đảm bảo văn minh, lành mạnh, không phô trương, lãng phí. Nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu, rườm rà dần dần được xóa bỏ, các nghi thức, nghi lễ được rút gọn, đảm bảo tính văn minh, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.

2.1.6. Về phát huy giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng

- Triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam gắn với xây dựng văn hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng và phát huy vai trò xây dựng gia đình văn hóa theo tiêu chí no ấm, đoàn kết, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp con người Nam Đông. Đề cao đúng vai trò, trách nhiệm của các bậc ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, yêu thương nhau; gắn kết chặt chẽ mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội, tạo kỷ cương nề nếp, đời sống ổn định và phát triển. Phát huy tinh thần tương thân tương ái trong sinh hoạt cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và bảo vệ mội trường. Hàng năm chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6,...

- Trong gia đình các mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự tạo nên nề nếp, sự êm ấm, hòa thuận giữa các thành viên với nhau. Các thành viên trong gia đình nhận thức sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống gia đình là tài sản tinh thần vô giá, giúp cho con người có những suy nghĩ, hành động đúng đắn, hợp lý trong công việc, cũng như trong cuộc sống.

- Việc phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng. Các nghệ nhân dân tộc Cơ tu trên địa bàn thường xuyên tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ, thể thao của huyện, tỉnh hàng năm.

2.1.7. Về xây dựng thiết chế văn hóa

Những năm qua, để nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao. Thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng được chú trọng đầu tư xây dựng, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của thiết chế văn hóa gắn với việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện đã thúc đẩy các phong trào văn hóa, thể thao phát triển, góp phần gắn kết tình đoàn kết nhân dân trong huyện, động viên mỗi người dân đồng sức đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện đến nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hiện trên địa bàn có 59/60 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 98,3%; ở các địa phương đều có quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới.

Cấp huyện hiện có 01 Nhà thi đấu đa năng, 01 sân vận động. Ngoài ra, tạo điều kiện tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: 02 sân bóng cỏ nhân tạo, 02 bể bơi tư nhân, đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của quần chúng; bên cạnh đó đã khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch và đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các dịch vụ văn hóa, thể thao.

2.1.8. Về công tác quản lý Nhà nước về văn hóa

Hoạt động quản lý văn hóa đã đạt được nhiều kết quả. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế văn hóa ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả. UBND huyện đã tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quản lý trên lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện hoạt động quản lý của ngành càng thuận lợi.

Hàng năm tổ chức các đợt kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng theo kế hoạch. Phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh trong lĩnh vực quản lý của ngành. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa không lành mạnh trên địa bàn. Từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hướng dẫn các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi các hoạt động kinh doanh các sản phẩm văn hóa, quản lý các hoạt động thông tin truyền thông trên địa bàn.

2.1.9. Hoạt động thư viện

- Hàng năm tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4; tổ chức Hội thi kể chuyện sách được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng, tham gia.

- Từ năm 2014 tiếp nhận trang thiết bị từ chương trình dự án BMGF-VN nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam do quỹ Bill&Melinda Gate (Hoa kỳ) tài trợ với 10 máy tính tại thư viện huyện và 05 máy tính tại xã Thượng Nhật, phục vụ độc giả, nhân dân trên địa bàn huyện tiếp cận CNTT để khai thác nhanh, hiệu quả thông tin trên môi trường mạng Internet.

2.2. Hạn chế, yếu kém

2.2.1. Về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và xã hội

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp ủy các cấp cần coi trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục; vận dụng sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn. Tích cực đổi mới phương pháp làm việc, bảo đảm đa dạng, phong phú. Một bộ phận cán bộ giảm ý chí, làm việc hời hợt,...

2.2.2. Về khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân

Do địa bàn chủ yếu là rừng núi, có hơn 43% dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, một số phong tục, tập quán còn lạc hậu,.. từ đó ảnh hưởng đến công tác triển khai Chiến lược phát triển văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển không đồng đều giữa các xã, thị trấn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

2.2.3. Về tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai với thuần phong mỹ tục của môi trường văn hóa

Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Ngân sách đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, một số nhà văn hóa sau khi được xây dựng không được khai thác, sử dụng hiệu quả. Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên thiếu chỗ vui chơi, giải trí lành mạnh khiến họ phải tìm đến các trò chơi, hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh. Do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu như: trang phục, nếp sống văn hóa, văn nghệ dân gian, phong tục tập quán,...đang bị pha tạp và dần mai một.

2.2.4. Về khó khăn và thách thức trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Chiến lược phát triển văn hóa có phạm trù rộng, loại hình phát triển mới, đa lĩnh vực. Vì vậy, để thực hiện đảm bảo chất lượng hiệu quả thì cần có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, đảm bảo tốt về mọi phương diện. Công tác tuyên truyền triển khai thực hiện kế hoạch có nỗ lực nhưng sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác triển khai thực hiện đôi khi còn bị động.

Nhiều di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện mới được kiểm kê và nhận diện, chưa được quan tâm nghiên cứu, đánh giá. Các hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích chưa được quan tâm đúng mức.

2.2.5. Về hạn chế của hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa và công tác quản lý thiết chế văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống thiết chế văn hóa ở một số địa phương đang xuống cấp, hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số xã chưa có đủ quỹ đất đạt chuẩn như quy định. Hoạt động một số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn nhiều hạn chế về nội dung, hình thức, có nhà văn hóa để lãng phí, ít hoạt động.

2.3. Nguyên nhân chủ yếu

2.3.1. Nguyên nhân khách quan

Địa bàn cư trú của dân tộc Cơ tu trong huyện chủ yếu là vùng sâu, giao thông đi lại ở một số nơi còn khó khăn, giao tiếp xã hội còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, còn lưu giữ các phong tục lạc hậu. Quá trình đô thị hóa làm mai một số bản sắc về văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc Cơ tu trong giai đoạn hiện nay.

2.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã có chuyển biến nhưng chưa sâu, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của Chiến lược phát triển văn hóa trong sự nghiệp phát triên kinh tế - xã hội của địa phương.

Kinh phí cho việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 còn hạn hẹp; xã hội hóa các hoạt động văn hóa chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Chưa có chế độ, chính sách khuyến khích, động viên đối với hoạt động đặc thù đối với các nghệ nhân, diễn viên ở cơ sở tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn văn hóa trên địa bàn huyện.

2.3.3. Những bài học kinh nghiệm

Tăng cường tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân hiểu được trách nhiệm và quyền lợi của Chiến lược phát triển văn hóa, từ đó thu hút được sự tham gia chủ động, tích cực của hệ thống chính trị và nhân dân.

Có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của các cấp, các ngành trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa. Phân công rõ trách nhiệm của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ; tăng cường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Phát huy tốt vai trò của Trưởng thôn, tổ dân phố, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào để quần chúng nhân dân noi theo.

Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đồng thời nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cách làm hay để nhân rộng, rút kinh nghiệm.

2.4. Phụ lục, bảng số liệu thống kê giai đoạn 2009-2018 (có phụ lục kèm theo).

2.5. Một số nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng giải pháp để tiến hành xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

2.5.1. Mục tiêu đến năm 2030

- Phối hợp thực hiện các dự án tu bổ, khoanh vùng cắm mốc 02 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh (địa điểm chiến thắng: Đồn Khe Tre và Trung tâm huấn luyện biệt kích Nam Đông).

- Có 02 Nghệ nhân trở lên được lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

- Phấn đấu 100% nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố có đủ cơ sở vật chất để hoạt động hiệu quả.

- Phấn đấu phát triển ít nhất 01 nghề thủ công truyền thống hoặc bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Cơ tu; hoạt động du lịch tại cộng đồng có chiều sâu và đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

2.5.2. Định hướng, giải pháp đến năm 2030

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

- Tuyên truyền, giáo dục và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc; phát triển văn hóa cơ sở thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mực tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn huyện.

- Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc phải phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, dân tộc. Phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.

- Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đúng thực chất; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa của huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục phát động và đưa các phong trào thi đua, các cuộc vận động của đoàn thể mình (theo sự chỉ đạo của ngành dọc cấp trên) ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là chú trọng chất lượng việc bình xét gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa và cơ quan, đơn vị văn hóa hàng năm; qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị.

- Triển khai quan điểm “Chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo”, trong toàn bộ hoạt động về gia đình và xây dựng đời sống văn hóa “lấy con người làm trung tâm”; cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ở từng địa phương, cơ quan, tổ chức.

          III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1.     Đối với Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Có cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở; quan tâm chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền văn hóa dân tộc và có chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân dân gian, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu văn hóa dân tộc.

2.     Kiến nghị với UBND tỉnh

Hàng năm có kế hoạch kinh phí trùng tu di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện; thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị về văn hóa cho các thôn trên địa bàn huyện còn khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất văn hóa.

          Trên đây là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trên địa bàn huyện Nam Đông./.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 4.600