Tuy nhiên, trong lúc khai thông tin, do sơ suất nên mẹ chồng bà Nhung khai thiếu tên lót (tên đệm) của con. Sau khi biết được sự việc, mẹ chồng bà đã đến UBND xã để xin sửa lại nhưng không được với lý do, thông tin của con bà Nhung đã gửi lên cấp huyện và tỉnh cấp mã số định danh cá nhân nên không thể sửa được nữa.
Bà Nhung hỏi, trường hợp này bà có được thay đổi, cải chính tên trên Giấy khai sinh của con hay không? Nếu không được thay đổi, cải chính thì sau này con bà lớn có thể thay đổi tên được không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Nhung hỏi như sau:
Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (tình trạng còn hiệu lực), quy định giá trị pháp lý của Giấy khai sinh, như sau:
- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
- Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
- Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Theo Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này, cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc cải chính hộ tịch như sau:
- Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.
- Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tich; việc ghi vào Sổ hộ tịch nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 13 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhờ bà nội của con mới sinh đi đăng ký khai sinh cho con, do bà nội của con có sai sót, khai thiếu tên đệm (tên lót) của con. Trường hợp này, nếu có căn cứ xác định là sai sót của người đi đăng ký khai sinh, khai thiếu tên đệm (tên lót) của con như thỏa thuận của cha, mẹ. Người đi đăng ký có thể yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho UBND nơi đã đăng ký khai sinh, để ghi vào Sổ khai sinh nội dung thay đổi, cải chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
Trường hợp phát sinh vướng mắc không thực hiện được việc cải chính, chỉnh sửa tên, tên đệm theo quy định của pháp luật về hộ tịch, mà việc sử dụng tên đã đăng ký khai sinh gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó, thì cá nhân, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
https://baochinhphu.vn/