Tìm kiếm
So sánh Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước
False 10567Ngày cập nhật 17/03/2019

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 15/11/2018, có hiệu lực  từ ngày 01/01/2020 trừ  các quy định của Luật này liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019.

Để mọi người nắm bắt được những điểm mới của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước so với Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Phòng Tư pháp giới thiệu những nội dung khác nhau của 2 luật này:

1. Về tên gọi

Về tên gọi thì giống nhau, chỉ khác ở tên văn bản là nâng tầm từ Pháp lệnh thành Luật. Mục đích chính là để khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời phù hợp với HIến pháp năm 2013 về việc quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân phải bằng luật.

2. Về bố cục văn bản

Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước có 5 chương 22 điều. Trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn, Luật Bí mật nhà nước năm 2018 có 5 chương với 28 điều.

3. Về phạm vi điều chính

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước bổ sung phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, cụ thể: Luật này quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

4. Về khái niệm bí mật nhà nước

Theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước thì Khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng các tài liệu ví mật nhà nước.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật BVBMNN đã  xác định lại khái niệm bí mật nhà nước theo hướng khái quát, nhưng đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng tính ổn định của Luật, cụ thể:

Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Đây là cơ sở phân biệt để giữa bí mật nhà nước với các loại bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời sống riêng tư, bí mật gia đình…

5. Bổ sung quy định về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước

– Luật Bảo vệ BMNN thay cụm từ “công dân” thành cụm từ “cá nhân” trong trách nhiệm bảo vệ bí mật nhiều nước, điều này đồng nghĩa không chỉ công dân Việt Nam mà tất cả cá nhân người nước ngoài, người không quốc tịch cũng phải có trách nhiệm trong bảo vệ bí mật nhà nước.

– Luật cũng bổ sung quy định về hợp tác quốc tế về bảo vệ bí mật nhà nước.

6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước

– Pháp lệnh BVBMNN quy định 7 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước như: hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch nhà nước.

– Luật BVBMNN quy định 9 nhóm hành vi và đã cụ thể, rõ ràng từng hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước, và có nhiều hành vi mới quy định cho phù hợp với thực tiễn như:  Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.  

+ Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.

   + Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

+ Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

 

7. Phạm vi bí mật nhà nước

Theo quy định của Pháp lệnh BVBMNN, việc xác định và lập danh mục bí mật nhà nước căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, việc xác định “khung” cấp độ mật gây khó khăn, bất cập trong xây dựng danh mục bí mật nhà nước do các “khung” đó chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong từng giai đoạn. Khắc phục nhược điểm trên,  Luật Bảo vệ BMNN quy định phạm vi bí mật nhà nước theo hướng khái quát , chia thành 15 nhóm phạm vi  (không chia phạm vi bí mật nhà nước theo từng cấp độ mật như Pháp lệnh). Căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước và tiêu chí xác định độ mật , cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương xác định và lập danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình trình cấp có thẩm quyền quyết định.

8. Phân loại bí mật nhà nước

Kế thừa quy định của Pháp lệnh,  Luật Bảo vệ bí mật nhà nước phân loại bí mật nhà nước thành 03 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục bí mật nhà nước được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, Luật quy định tiêu chí phân loại bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.

Pháp lệnh BVBMNN chỉ quy định Tuyệt mật, tối mật và mật, đồng thời liệt kê cụ thể các lĩnh vực thuộc quy định Tuyệt mật, các lĩnh vực tối mật và mật.

9. Thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước

Theo Pháp lệnh BVBMNN thì danh mục bí mật nhà nước mở mức độ Tối mật, tuyệt mật do Chính hủ quyết định, còn danh mục bí mật nhà nước ở mức độ mật  do người đứng đầu hoặc người được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Luật Bảo vệ BMNN quy định Thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước được sửa đổi theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đối với cả 03 cấp độ mật để bảo đảm sự tập trung, thống nhất về chủ thể ban hành danh mục bí mật nhà nước; kịp thời, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

10. Về sao chép văn bản mật

Pháp lệnh BVBMNN không quy định về sao chép văn bản mật mà do Chính phủ quy định tại Nghị định 33 /2002/NĐ-CP. Luật BVBMNN quy định cụ thể Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật.

Luật BVBMNN thống nhất và mở rộng thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước; bổ sung đối tượng được phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước . Quy định này nhằm khắc phục hạn chế về thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước tại Pháp lệnh, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tiếp cận bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác.

11. Quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước

Pháp lệnh BVBMNN không quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước nên cá nhân, tổ chức không có điều kiện tiếp cận thông tin. Thực hiện chủ trương của Đảng về công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền cơ bản theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm). Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

12. Luật quy định cụ thể thế nào là giải mật và các trường hợp bí mật nhà nước được giải mã , mở rộng thẩm quyền cho phép tiêu hủy bí mật nhà nước đối với trường hợp bí mật nhà nước không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc./.

Phòng Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 7.342