Tìm kiếm
Quy đinh quy ước, hương ước
False 6457Ngày cập nhật 23/10/2018

Kể từ ngày 01/7/2018, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành và Quyết định này có 5 chương 20 Điều với các nội dung quy định chung; xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước; thực hiện hương ước quy ước; xử lý hương ước, quy ước vi phạm, tổ chức thực hiện.

Để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và tương đương (gọi chung là thôn, tổ dân phố) trên phạm vi cả nước, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thồng, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Với mục đích, ý nghĩa trên ngày 08/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong đó quy định về mục đích, nguyên tắc, phạm vi nội dung và hình thức; các bước soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước; công tác thông tin, phổ biến hương ước, quy ước; trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, việc kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện hương ước, quy ước và có một số điểm mới, quan trọng, cụ thể như sau:

1. Về hình thức hương ước, quy ước được thể hiện dưới dạng văn bản, ngôn ngữ sử dụng là tiếng việt, được trình bày ngắn ngọn, rõ ràng cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố, có dấu giáp lai công nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cộng đồng dân cư được quyền lựa chọn thống nhất tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước”.

2. Về nội dung hương ước, quy ước là do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và không được vi phạm quyền con người, quyền công dân; phải bảo đảm bình đẳng giới, không được đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

3. Về tổ chức lấy ý kiến chủ trương xây dựng hương ước, quy ước, các nội dung cơ bản và hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cư tri hoặc cư tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

4. Quy định cụ thể về việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm (có nội dung trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội, trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình hoặc phong tục, tập quán tốt đẹp khác được áp dụng tại địa phương đã được phê duyệt hoặc vi phạm quy định về biểu quyết thông qua, công nhận hương ước, quy ước), theo đó, khi phát hiện có vi phạm, tùy theo mức độ mà hương ước, quy ước có thể bị tạm ngừng thực hiện hoặc bị bãi bỏ. Thẩm quyền, căn cứ, thời hạn xử lý hương ước, quy ước vi phạm được quy định tại Điều 14, 15, 16 của Quyết định này.

5. Về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định này trên phạm vi cả nước, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc triển khai thực hiện pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

+ Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

+ Hướng dẫn việc ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ; vận động xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu trong hương ước, quy ước;

- Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra, kiến nghị việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm do có nội dung trái pháp luật, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa và Thể thao), Phòng Văn hóa - Thông tin, công chức Văn hóa - Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện cùng cấp triển khai thực hiện Quyết định này.

6. Khuyến khích hòa giải viên ở cơ sở tham khảo, vận dụng hương ước, quy ước để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

7. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo hướng ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước; cộng đồng dân cư tự bảo đảm kinh phí xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; khuyến khích việc hỗ trợ, đóng góp kinh phí, điều kiện cần thiết khác trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

8. Quy định chuyển tiếp:

- Đối với các bản hương ước, quy ước đã được công nhận hoặc phê duyệt theo Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2018) mà không phù hợp với các nguyên tắc xây dựng, thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Quyết định này hoặc không đúng thẩm quyền công nhận thì  phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc tiến hành thủ tục công nhận trước ngày 31/12/2018.

- Các bản hương ước, quy ước đã được công nhận hoặc phê duyệt mà phù hợp với nguyên tắc xây dựng, thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Quyết định này được tiếp tục thực hiện.

- Kể từ ngày 01/7/2018, các bản hương ước, quy ước chưa được công nhận phải được tiến hành thủ tục công nhận theo quy định của Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg.

Phòng Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 624