Tìm kiếm
BỔ SUNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT “XÓA TƯ CÁCH CHỨC VỤ ĐẢM NHIỆM” ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC NGHỈ HƯU VI PHẠM PHÁP LUẬT
False 16140Ngày cập nhật 05/04/2020

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi lần này là việc bổ sung thêm một hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi đã nghỉ việc bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

 

 

Đại biểu biểu quyết thông qua Luật

 

Theo đó, Luật mới được ban hành bổ sung quy định, mọi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ hưu đều bị xử lý theo pháp luật. Tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.

Ba mức kỷ luật cán bộ nghỉ hưu gồm: khiển trách, cảnh cáo, xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Mỗi hình thức kỷ luật được gắn với hệ quả pháp lý tương ứng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết các hệ quả pháp lý này.

Cụ thể, Luật này sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 84 của Luật Cán bộ, công chức với nội dung: “Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định: Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật; Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật; Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.”

Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức khẳng định sẽ xử lý mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Nếu sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì phải chịu một trong những hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm. Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm chính là một hình thức xử lý kỷ luật mới được đưa vào Luật.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng nói rõ, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 cũng được thực hiện theo quy định của Luật này.

Thảo luận về nội dung này tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu cho rằng, quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn bởi trên thực tế trong thời gian công tác, cán bộ, công chức chưa bị phát hiện và xử lý. Đến khi nghỉ hưu mới phát hiện nhưng chưa có quy định nên rất khó để xử lý.

Các đại biểu cho rằng, như vậy, tình trạng nghỉ hưu được coi là "hạ cánh an toàn" đối với một bộ phận cán bộ, công chức sẽ không còn nữa. Đồng thời, quy định này cũng thống nhất với quy định về xử lý cán bộ, công chức là Đảng viên được nêu tại khoản 2 Điều 1 Quy định số 102-QĐ/TW và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.

 

 

 

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình về nội dung này, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng).

Nhấn mạnh rằng đưa nội dung này vào dự thảo luật là cần thiết song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng luật chỉ nên quy định nguyên tắc để tạo cơ sở cho Chính phủ quy định hình thức, quy trình xử lý để tạo sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Còn đối với cán bộ đương chức, Luật vẫn giữ 06 mức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc./.

http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44650

Tập tin đính kèm:
Võ Thị Thanh Tuyền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 442