Tìm kiếm
“Trút” gánh nặng chứng chỉ, văn bằng
False 17508Ngày cập nhật 03/07/2021

Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư (Thông tư 02) có hiệu lực từ ngày 1/8 tới sẽ giúp đội ngũ công chức hai ngành này “trút” được gánh nặng về chứng chỉ, văn bằng.

Không còn gánh nặng chứng chỉ không cần thiết, cán bộ, công chức yên tâm công tác

Đó là chia sẻ của ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ khi trao đổi với chúng tôi về những điểm mới của Thông tư 02.

Khắc phục hạn chế trong bồi dưỡng, cấp chứng chỉ

Theo ông Lương, căn cứ thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2021 tới, đội ngũ công chức chuyên ngành hành chính và chuyên ngành văn thư sẽ “trút” được gánh nặng khi thi tuyển công chức cũng như khi thi, xét nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Bởi theo quy định mới, rất nhiều chứng chỉ, văn bằng công chức chuyên ngành hành chính được bãi bỏ. 

Chẳng hạn, đối với ngạch chuyên viên chính hiện hành cần đáp ứng 4 yêu cầu gồm: Bằng tốt nghiệp đại học ngành hoặc chuyên ngành phù hợp trở lên; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính/Bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính, thạc sĩ quản lý hành chính công, tiến sĩ quản lý hành chính công; chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 3 hoặc chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số; chứng chỉ tin học cơ bản hoặc tương đương.

Cán bộ, công chức yên tâm tập trung cho công tác chuyên môn

Trong khi đó, tại Thông tư 02, ngạch chuyên viên chính chỉ cần đáp ứng 2 yêu cầu là bằng tốt nghiệp đại học ngành hoặc chuyên ngành phù hợp trở lên và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính/bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.

Tương tự là ngành văn thư. Theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ngạch văn thư viên chính phải đáp ứng 6 yêu cầu gồm: Bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành văn thư lưu trữ; hoặc bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và chứng chỉ bồi dưỡng bổ sung kiến thức, nghiệp vụ văn thư; Chứng chỉ bồi dưỡng quản lý Nhà nước và nghiệp vụ ngạch văn thư chính; Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 3 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc nếu vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; chứng chỉ tin học trình độ đạt chuẩn cơ bản. Nhưng khi Thông tư 02 có hiệu lực, ngạch này chỉ cần: Bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học hoặc bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư.

Ngoài ra, so với quy định hiện hành, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Theo ông Phan Lương, việc cắt giảm các loại chứng chỉ theo Thông tư 02 chính là loại bỏ giấy phép con, dẹp bỏ barie, rào chắn mang tính hình thức, giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức để đội ngũ này tập trung nâng cao năng lực, thật sự đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới.

Ông Lương phân tích, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ở đây không có nghĩa là không quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học nữa, mà tùy yêu cầu vị trí việc làm mà cơ quan tuyển dụng sẽ thông qua kiểm tra, sát hạch… để chọn người có năng lực thực sự, giỏi kỹ năng, thông thạo ngoại ngữ để có được đội ngũ công chức, viên chức làm được việc.

Tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu

Qua phân tích cho thấy, Thông tư 02 ra đời sẽ khắc phục được hạn chế tồn tại trong công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.

Thêm vào đó, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng.

Theo ông Phan Lương, sau khi Thông tư 02 có hiệu lực, Sở Nội vụ sẽ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn hướng dẫn các ban, ngành thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cho mình để đáp ứng công việc.

Riêng đối với công tác bồi dưỡng sẽ dừng bồi dưỡng những chứng chỉ mang tính hình thức, nhưng sẽ tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu gắn với vị trí việc làm như công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu cải cách hành chính, chính phủ điện tử…

Ông Phan Lương khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chỉ có Thông tư 02 quy định việc cắt giảm các chứng chỉ áp dụng cho công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Sắp tới, nếu các bộ ngành khác ban hành thêm các thông tư theo bộ ngành mình, Sở Nội vụ sẽ căn cứ theo từng thông tư để tham mưu UBND tỉnh có công văn hướng dẫn thực thi phù hợp.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn tỉnh có 25.897 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó tập trung bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên; kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, còn bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đối với công chức và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức xã...

Nguyễn Thị Thanh Huệ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.945.332
Truy cập hiện tại 14.623