Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây cam và cây có múi
False 7531Ngày cập nhật 19/09/2023
Ảnh minh họa

Hiện nay thời tiết thường xuyên thay đổi đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại trên các đối tượng cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây có múi. Qua điều tra theo dõi, một số sâu bệnh gây hại chủ yếu như: bệnh chảy gôm tiếp tục gây hại trên diện rộng, tỷ lệ bệnh phổ biến 10-15%, cục bộ một số vườn chăm sóc kém, tỷ lệ bệnh có nơi cao trên 40%; nhện các loại (nhện đỏ, nhện vàng, nhện trắng) phát sinh và gây hại gia tăng, làm cho quả bị rám, méo mó, nếu hại nặng làm cho quả bị rụng; sâu đục thân, đục cành, sâu vẽ bùa, bệnh đốm đen, bệnh loét, ghẻ, muội đen,  gây hại rải rác.

 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Thừa Thiên Huế, nhiệt độ trung bình tháng 9 cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5- 10C; nắng nóng gây gắt trên diện rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch hại nói trên tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng.

Để các loại cây có múi sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sự lây lan và thiệt hại do sâu bệnh gây ra; UBND huyện đề nghị các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với UBND các xã, thị trấn: Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên diện tích đã trồng, đặc biệt đối với những diện tích ở thời kỳ đang cho thu hoạch. Các biện pháp chủ yếu bao gồm:

- Tưới đủ nước cho những vườn cây đã cho quả và vườn cây mới trồng để tạo điều kiện cho cây hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời hạn chế rụng trái và giảm thiệt hại do các loài nhện gây ra. Lưu ý lượng nước tưới đủ ướt gốc trong một lần tưới, sau 3-5 ngày tưới lại lần 2.

- Cung cấp đủ phân bón để cây sinh trưởng, phát triển tốt; tùy thuộc vào tuổi cây, số lượng quả trên cây để bón đủ lượng phân (bón từ 0,3-0,5kg Ure + 0,4- 0,8kg Kali/cây hoặc bón từ 0,5-1,0kg NPK/cây. Chú ý bón kết hợp với phân chuồng hoai mục, tốt nhất là phân hữu cơ có ủ chế phẩm Trichoderma.

- Vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh; khơi thông mương rãnh thoát nước để không bị ngập úng.

- Đối với công tác phòng trừ sâu bệnh, cần chú ý theo dõi để phòng, trừ một số dịch hại chính như sau:

+ Nhện các loại (nhện trắng, nhện vàng, nhện đỏ): Là nguyên nhân làm cho quả bị nám, vỏ quả biến màu, lá bị héo vàng. Khi phát hiện vỏ quả bị nám, hoặc lá bị bạc, hơi phồng lên và nhăn nheo, cành lá non bị vàng, chùn lại,… có thể dùng vòi cao áp phun vào quả để rữa nhện, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Sau khi thu hoạch quả, để phòng trừ các loại  nhện, có thể dùng một trong các loại thuốc để phun trừ như: Sachnhen-Eto 110SC, Saromite 57EC, Danitol 10EC, Nissorun 5EC, ... Lưu ý nên phun ướt đều tán lá và đảm bảo thời gian cách li ghi trên bao bì sản phẩm.

+ Bệnh chảy gôm: Biểu hiện trên cành và thân có nhựa chảy ra, phần thân và rễ dưới mặt đất bị bệnh sẽ khô và thối, cây bị bệnh nhẹ sẽ giảm năng suất, nếu bệnh nặng cành khô và cây chết. Khi phát hiện cây bị bệnh, dùng dao cạo sạch vết bệnh đến phần gỗ và dùng một trong các thuốc như Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Vimonyl 72WP,... hòa nước để quét vào vết bệnh, quét 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Hoặc dùng Agrifos 400 pha nồng độ 1 lít thuốc/1 lít nước tiêm vào thân cây. Hoặc dùng khoan với mũi khoan có đường kính 6mm, khoan trên thân ở độ sâu 2-3cm, độ cao cách mặt đất từ 40-50cm. Liều lượng tiêm 30ml dung dịch thuốc đã pha/xilanh, tiêm 2 lần cách nhau 30 ngày.

+ Ruồi đục quả: Ruồi thường phát sinh gây hại vào cuối vụ giai đoạn quả sắp chín, ngoài biện pháp bao quả cần theo dõi để phòng trừ bằng cách đặt thuốc dẫn dụ ruồi đục trái như thuốc Vizubon-D để hạn chế mật độ khả năng gây hại.

+ Sâu đục thân, đục cành: Khi phát hiện trên thân hoặc cành cây bị các lỗ đục khoét tạo thành những đường hầm, để lại như mùn cưa rơi xuống đất cần tiến hành các biện pháp như cắt bỏ những cành bị sâu đục, hoặc dùng dây thép nhỏ cho vào lỗ ngoáy và kéo sâu ra; đồng thời quét vôi vào thân và cành cây; có thể dùng bông thấm thuốc Virtako 40WG, Ammate 150SC, Dylan 2EC,... nhét vào lỗ và bên ngoài trát đất để diệt sâu non.

+ Sâu vẽ bùa: Thường gây hại sau các đợt cây ra lộc non, hại nặng các vườn cây mới trồng chăm sóc kém. Cần theo dõi chặt chẽ các đợt lộc non xuất hiện, chú ý các đợt lộc sau khi mưa và sau khi tưới nước. Sử dụng một số loại thuốc như Ajuni 50WP, Trigard 100SL, Newgard 75WP,... để phòng trừ sớm khi lộc non dài 1-2cm hoặc thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.

2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Tổ chức theo dõi, điều tra, đánh giá định kỳ các đối tượng gây hại trên cây cam và cây có múi; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo “nguyên tắc 4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách).

3. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, dự tính dự báo sâu bệnh; tham mưu kịp thời tình hình sâu bệnh hại cây trồng, thời điểm phát sinh và hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu cho nông dân; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả nhằm bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.

 

Nguyễn Quyết Thắng
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.070.857
Truy cập hiện tại 11.651