Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Về luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức huyện Nam Đông
False 18749Ngày cập nhật 04/07/2015

TẢI VỀ DỰ THẢO

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về luân chuyển, điều động, biệt phái định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức huyện Nam Đông

(Ban hành kèm theo Quyết định số   /    ngày     tháng    năm 2015 của UBND huyện Nam Đông)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện; công chức của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn (sau đây gọi chung là công chức, viên chức).

2. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1.  Luân chuyển là việc công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.

2. Điều động là việc công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

3. Biệt phái là việc công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

4. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định điều động, bố trí, phân công lại vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có thời hạn công tác đủ 36 tháng tại các vị trí trong các lĩnh vực, ngành, nghề quy định tại Điều 8 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ.

Điều 4. Nguyên tắc

1. Luân chuyển, điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác phải căn cứ các quy định của Đảng, của Nhà nước. Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất lãnh đạo công tác luân chuyển, điều động, biệt phái đối với các công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

2. Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, phát huy trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu đơn vị. Công chức, viên chức được luân chuyển, điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo đủ điều kiện và đúng đối tượng theo quy định.

3. Phải căn cứ vào yêu cầu công tác, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế, phù hợp với trình độ, năng lực của công chức, viên chức và mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, viên chức đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

4. Công chức được điều động, luân chuyển và công chức, viên chức được biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái của cấp có thẩm quyền.

5. Công chức được điều động, luân chuyển và công chức, viên chức được biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác nếu không thực hiện quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác của cấp có thẩm quyền sẽ chịu các hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng và Pháp luật.

Điều 5. Những trường hợp chưa thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác.     

1. Công chức, viên chức đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật;

2. Công chức, viên chức đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra;

3. Công chức, viên chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế;

4. Công chức, viên chức đang đi học dài hạn hoặc được cử đi biệt phái theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

5. Công chức, viên chức nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND huyện quyết định.

 

 

 

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

LUÂN CHUYỂN

Điều 6. Mục đích luân chuyển

1. Luân chuyển nhằm góp phần chủ động trong công tác quản lý, sử dụng công chức, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm thực tiễn cho công chức của huyện.

2. Luân chuyển nhằm rèn luyện, thử thách công chức để làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý có triển vọng, trong quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn.

Điều 7. Đối tượng và điều kiện luân chuyển

1. Đối tượng luân chuyển: Công chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch;

2. Điều kiện luân chuyển

a) Độ tuổi luân chuyển: Đối với nam công chức lãnh đạo, quản lý không quá 45 tuổi và không quá 40 tuổi đối với nữ công chức lãnh đạo quản lý.

b) Thuộc diện quy hoạch đã được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt;

c) Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

d) Trường hợp đặc biệt khác do tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện quyết định.

Điều 8. Thời hạn luân chuyển

Thời hạn luân chuyển từ 03 (ba) đến 05 (năm) năm, trường hợp đặc biệt có thể ngắn hơn nhưng tối thiểu phải là 02 (hai) năm.

Điều 9. Hình thức luân chuyển

1. Luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện;

2. Luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý từ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện về giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

Điều 10. Trình tự, thủ tục luân chuyển

1. Xây dựng kế hoạch luân chuyển:

a) Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và nguồn nhân sự quy hoạch đã được phê duyệt

- Phòng Nội vụ huyện phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, phê duyệt và thông báo để Ủy ban nhân dân huyện quyết định theo thẩm quyền (đối với các công chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý).

- Phòng Nội vụ huyện xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và quyết định luân chuyển theo thẩm quyền (đối với các công chức không thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý).

b) Nội dung kế hoạch

- Danh sách công chức dự kiến luân chuyển;

- Chức vụ và vị trí công tác dự kiến bố trí khi luân chuyển;

- Thời gian dự kiến luân chuyển;

- Dự kiến bố trí công tác sau khi luân chuyển.

2. Trình tự, thủ tục luân chuyển công chức

a) Sau khi có Thông báo của Ban Thường vụ Huyện ủy hoặc Kế hoạch luân chuyển được phê duyệt, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện trao đổi với thủ trưởng và cấp ủy đơn vị nơi công chức đang công tác và nơi dự kiến luân chuyển đến để thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy (đối với các công chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý) và ý kiến của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện (đối với công chức thuộc UBND huyện quản lý) về nhiệm vụ, nhân sự luân chuyển, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, đại diện lãnh đạo của Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ huyện trực tiếp trao đổi với công chức, viênn chức được giới thiệu luân chuyển về yêu cầu, nhiệm vụ.

b) Quyết định luân chuyển: Phòng Nội vụ huyện tổng hợp, báo cáo UBND huyện kết quả thực hiện quy trình luân chuyển và vướng mắc phát sinh (nếu có) để đưa ra tập thể lãnh đạo UBND huyện xem xét. Tham mưu Chủ tịch UBND huyện quyết định luân chuyển.

Điều 11. Nhận xét, đánh giá đối với công chức luân chuyển

1. Nhận xét, đánh giá hàng năm

a) Việc nhận xét, đánh giá đối với công chức luân chuyển hàng năm được thực hiện như đối với công chức, viên chức đang công tác tại đơn vị. Nội dung đánh giá, phân loại công chức thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà.

b) Bản nhận xét đánh giá hàng năm được lưu tại đơn vị nơi công chức luân chuyển đến 01 bản, hồ sơ cá nhân 01 bản và gửi Phòng Nội vụ 01 bản.

2. Nhận xét, đánh giá khi hết thời hạn luân chuyển

a) Công chức, viên chức luân chuyển tự viết bản nhận xét, đánh giá về quá trình công tác trong thời hạn luân chuyển (theo Mẫu đánh giá công chức hàng năm).

b) Tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi có công chức, viên chức luân chuyển đến nhận xét, đánh giá và xếp loại về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức trong thời hạn luân chuyển.

c) Bản nhận xét đánh giá khi hết thời hạn luân chuyển được lưu hồ sơ cá nhân 01 bản và gửi Phòng Nội vụ 01 bản.

Điều 12. Bố trí công tác sau khi luân chuyển

1. Căn cứ bố trí công tác

Việc bố trí công chức sau luân chuyển dựa trên những căn cứ sau:

a) Dự kiến phương án bố trí nhân sự theo kế hoạch trước khi luân chuyển đã được phê duyệt;

b) Nhận xét, đánh giá về kết quả công tác trong thời gian luân chuyển;

c) Tình hình thực tế của đơn vị tại thời điểm bố trí công việc cho công chức, viên chức luân chuyển.

2. Bố trí công chức, viên chức sau luân chuyển

a) Khi kết thúc thời hạn luân chuyển, công chức, viên chức được sắp xếp, bố trí công tác trên cơ sở Kế hoạch hoặc phương án luân chuyển đã được phê duyệt và kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức trong thời gian luân chuyển.

b) Công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời hạn luân chuyển được ưu tiên xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn chức vụ trước khi luân chuyển, nếu đơn vị có nhu cầu.

Điều 13. Chế độ, chính sách đối với công chức luân chuyển

1. Được tiếp tục duy trì trong danh sách quy hoạch nếu vẫn đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

2. Được ưu tiên xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, nếu đơn vị có nhu cầu. Trường hợp cùng một vị trí bổ nhiệm nhưng có các phương án nhân sự khác nhau thì công chức luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên được xem xét ưu tiên khi lựa chọn nhân sự.

3. Được hưởng các quyền lợi đối với công chức theo các quy định của pháp luật.

Điều 14. Quản lý công chức luân chuyển

- Chậm nhất đến 31/12 hàng năm, công chức, viên chức được luân chuyển gửi phiếu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của cơ quan, đơn vị nơi luân chuyển đến, về UBND huyện (qua Phòng Nội vụ huyện).

- Phòng Nội vụ huyện tổng hợp báo cáo UBND huyện, cấp ủy đảng nơi cử công chức, viên chức luân chuyển.

 

 

Mục 2

ĐIỀU ĐỘNG

Điều 15. Mục đích, yêu cầu của điều động

1. Điều động nhằm tăng cường chủ động và hiệu quả trong quản lý, sử dụng công chức, viên chức; tăng cường năng lực và tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Điều động theo yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và trên cơ sở trình độ năng lực của công chức, viên chức, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

3. Điều động theo yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ.

Điều 16. Đối tượng điều động

1. Công chức, viên chức lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện có thời gian giữ chức vụ 05 (năm) năm trở lên tại một đơn vị.

2. Điều động công chức, viên chức do yêu cầu nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, viên chức.

3. Công chức, viên chức thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

4. Điều động theo nguyện vọng của cá nhân công chức, viên chức gắn với đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn và vị trí công tác.

Điều 17. Hình thức điều động

1. Điều động công chức, viên chức trong huyện (giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện; giữa các xã, thị trấn).

2. Điều động công chức ra ngoài huyện.

Điều 18. Quy trình điều động

1. Xây dựng Kế hoạch điều động

1.1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch:

a) Đối với công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý: Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và nguồn nhân sự quy hoạch đã được phê duyệt, UBND huyện phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng kế hoạch, dự kiến danh sách  trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, phê duyệt và thông báo để Ủy ban nhân dân huyện quyết định theo thẩm quyền.

b) Đối với công chức, viên chức không thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý: Phòng Nội vụ huyện xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và quyết định điều động theo thẩm quyền.

1.2. Nội dung kế hoạch

- Danh sách công chức, viên chức dự kiến điều động;

- Chức vụ và vị trí công tác dự kiến bố trí khi điều động;

2. Trình tự, thủ tục điều động

a) Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy và kết quả phê duyệt Kế hoạch của UBND huyện, lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ huyện trao đổi với thủ trưởng và cấp ủy đơn vị nơi công chức, viên chức đang công tác và nơi dự kiến điều động đến để thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy (đối với công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý) và ý kiến của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện (đối với công chức, viên thức thuộc UBND huyện quản lý) về nhiệm vụ, nhân sự điều động. Đồng thời, trao đổi với công chức, viên chức được điều động về yêu cầu, nhiệm vụ.

b) Quyết định điều động:

- Đối với công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý: Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp Phòng Nội vụ huyện tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy kết quả thực hiện quy trình điều động và vướng mắc phát sinh (nếu có) để đưa ra tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định. Ban Thường vụ Huyện ủy ra thông báo, UBND huyện quyết định điều động theo thẩm quyền.

- Đối với công chức, viên chức không thuộc diện Ban Thương vụ Huyện ủy quản lý: Phòng Nội vụ huyện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND huyện quyết định điều động theo thẩm quyền.

3. Điều động công chức ra ngoài huyện

a) Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhu cầu xin tiếp nhận công chức, viên chức của huyện phải có văn bản gửi UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp cá nhân có nguyện vọng xin chuyển công tác phải có đơn xin chuyển công tác, được lãnh đạo đơn vị nơi công chức, viên chức đang công tác đồng ý, gửi Chủ tịch UBND huyện (qua Phòng Nội vụ Huyện).

b) Trình tự, thủ tục điều động thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Hồ sơ điều động:

- Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-2008/BNV của Bộ Nội vụ; bản sao các văn bằng, chứng chỉ;

- Bản kiểm điểm quá trình công tác có nhận xét, đánh giá của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi công chức, viên chức được điều động đi;

          - Quyết định lương đang hưởng.

 

 

Mục 3

BIỆT PHÁI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 19. Mục đích, yêu cầu

1. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách mà chưa thể thực hiện việc điều động công chức.

2. Để thực hiện công việc chỉ cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

3. Biệt phái công chức, viên chức phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, khoa học, kịp thời trên cơ sở yêu cầu công tác, nhiệm vụ của cơ quan, phù hợp với trình độ năng lực của công chức, viên chức và tính chất công việc ở nơi công chức, viên chức đến làm việc.

4. Công chức, viên chức được cử biệt phái phải chịu sự quản lý, phân công công tác của cơ quan, đơn vị nơi được cử đến. Cơ quan, đơn vị cử công chức, viên chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức, viên chức biệt phái.

Điều 20. Đối tượng biệt phái

Công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.

Điều 21. Thời hạn, điều kiện biệt phái

1. Thời hạn biệt phái không quá 03 (ba) năm.

2. Điều kiện biệt phái

a) Theo yêu cầu của Ban Thường vụ Huyện ủy mà không thể áp dụng hình thức điều động.

b) Theo yêu cầu nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND huyện xét thấy cần biệt phái, hoặc do nhu cầu của các cơ quan, đơn vị.

c) Theo yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ.

Điều 22. Hình thức biệt phái

Biệt phái công chức, viên chức đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Điều 23. Quản lý công chức, viên chức biệt phái

1. Công chức, viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nơi được biệt phái đến và vẫn thuộc biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị cử biệt phái.

2. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện nơi có công chức được biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức, viên chức khi hết thời hạn biệt phái, có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức, viên chức được cử biệt phái.

3. Hàng năm và khi hết thời hạn biệt phái, người được cử biệt phái thực hiện việc tự nhận xét, đánh giá, phân loại theo quy định, có ý kiến nhận xét của lãnh đạo đơn vị.

Bản nhận xét, đánh giá được lưu tại đơn vị nơi công chức, viên chức được cử biệt phái đến 01 bản, hồ sơ cá nhân 01 bản và gửi Phòng Nội vụ huyện 01 bản.

Điều 24. Trình tự, thủ tục biệt phái

1. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tăng cường công chức, viên chức có văn bản đề nghị gửi Chủ tịch UBND huyện (qua Phòng Nội vụ huyện) kèm theo bản mô tả công việc và vị trí công tác cần biệt phái.

2. Phòng Nội vụ huyện tổng hợp nhu cầu, báo cáo Chủ tịch UBND huyện:

a) Đối với công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý: UBND huyện có tờ trình gửi Ban Thường vụ Huyện ủy xin biệt phái công chức, viên chức; tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định. Ban Thường vụ Huyện ủy ra thông báo, UBND huyện quyết định điều động theo thẩm quyền.

b) Đối với công chức, viên chức không thuộc diện Ban Thương vụ Huyện ủy quản lý: Phòng Nội vụ huyện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND huyện quyết định biệt phái theo thẩm quyền.

MỤC 4

CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 25. Mục đích, yêu cầu

1. Nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Đảng, Nhà nước.

2. Nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và bố trí, phân công công tác đối với ngũ công chức, viên chức.

Điều 26. Đối tượng thực hiện chuyển đổi vị trí công tác

Công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện đang thực hiện các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi đối với công chức, viên chức được quy định tại Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ

Điều 27. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

1. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ 03 năm (đủ 36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng).

2. Công chức, viên chức có thời gian công tác còn lại dưới 36 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu thì không thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

Điều 28. Nguyên tắc và những hành vi bị cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

1. Nguyên tắc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

a) Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức của UBND huyện là quy định bắt buộc, là việc làm thường xuyên đối với công chức, viên chức đủ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

b) Phải khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân; không gây mất đoàn kết trong đơn vị; không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế của các cơ quan, đơn vị.

c) Phải được tiến hành theo kế hoạch, được công bố công khai trong toàn huyện.

2. Những hành vi bị cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

a) Không thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trái với chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức đang làm hoặc đang phụ trách.

b) Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập công chức, viên chức.

Điều 29. Hình thức chuyển đổi vị trí công tác

1. Chuyển đổi vị trí công tác của công chức giữa các xã, thị trấn.

2. Chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức giữa các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện.

3. Chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức giữa các trường trực thuộc huyện.

Điều 30. Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác

1. Quý I hàng năm, Phòng nội vụ tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức đến thời hạn định kỳ chuyển đổi được quy định tại Điều 30 của Quy định này.

2. Sau khi kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác được UBND huyện thông qua, lãnh đạo phòng Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ:

- Trao đổi với thủ trưởng và cấp ủy đơn vị nơi công chức, viên chức đang công tác và nơi dự kiến điều động đến để thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND huyện về nhiệm vụ, nhân sự chuyển đổi vị trí công tác.

- Trao đổi với công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác.

3. Ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác: Phòng Nội vụ tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND huyện Quyết định chuyển đổi vị trí công tác theo thẩm quyền

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

          Điều 13. Trách nhiệm thi hành

          1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

          2. Phòng Nội vụ huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Quy định này.

          Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về UBND huyện (qua Phòng Nội vụ huyện) để xem xét, quyết định./.

Tập tin đính kèm:
Phòng Nội vụ
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.124.636
Truy cập hiện tại 3.073