Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Truyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng Chương 3-2
False 10628Ngày cập nhật 19/03/2015

MỤC LỤC

1. Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại:

Phần 1        Phần 2        Phần 3        Phần 4 Mục I        

Phần 4 Mục II        Phần 4 Mục III        Phần 4 Mục IV        Phần 4 Mục V

2. Tìm hiểu pháp luật về tố cáo:

Phần 1        Phần 2a        Phần 2b        Phần 3-5        Phần 6

3. Quyết định số 26 /2014/QĐ-UBND về Ban hành Quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

4. Thông tư số 06/2013/TT-TTCP Quy định quy trình giải quyết tố cáo

5. Thông tư số 07/2013/TT-TTCP Quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính

6. Truyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng

Phần 1        Phần 2        Phần 3-1        Phần 3-2 

----------------------------------------------------------------------

II- CÁC GIẢI PHÁP PHÁT HIỆN THAM NHŨNG

 

Phát hiện tham nhũng là việc tìm ra vụ việctham nhũng và có biện pháp kịp thời để hạn chế thiệt hại xảy ra, đồng thời xác định mức độ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, có hình thức xử lý thích đáng và nghiêm minh. Việc phát hiện tham nhũng đòi hỏi sự nỗ lực của mọi cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, giám sát, kiểm sát cũng như sự tham gia tích cực của công dân. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định việc phát hiện tham nhũng thông qua ba hoạt động chủ yếu:

- Công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước;

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán;

- Tố cáo của công dân.

1. Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước

Kiểm tra là một hoạt động không thể thiếu trong quản lý nhà nước. Các hành vi tham nhũng có thể diễn ra trong mọi lĩnh vực quản lý. Vì vậy, công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng. Trên thực tế, việc xác định tính chất và mức độ của vụ việc tham nhũng cũng như trách nhiệm của những người vi phạm đòi hỏi có nhiều thời gian và công sức, thường thuộc trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, điều tra nhưng những dấu hiệu ban đầu của các các vi phạm, những dấu hiệu không bình thường trong hoạt động quản lý lại thường do các cơ quan quản lý phát hiện. Vì vậy, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan mình. Tuỳ từng vụ việc cụ thể, căn cứ vào tính chất và mức độ của nó mà có thể xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý.

Điều 59, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước như sau:

- Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chứckiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng.

- Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, thủ trưởngcơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyềnhoặcthông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền.

Ngoài ra, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tự kiểm tra nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý để phát hiện tham nhũng. Điều 60, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.

 - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

- Khi phát hiện hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền.

Mặc dù pháp luật đề cao công tác kiểm tra của các cơ quan nhằm phát hiện tham nhũng nhưng để tránh tình trạng kiểm tra tràn lan, hoặc lợi dụng việc kiểm tra để gây khó khăn cho đồng nghiệp và công dân, Luật cũng quy định các hình thức kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm cũng như trường hợp kiểm tra đột xuất phải có những điều kiện nhất định. Điều 61 quy định: Việc kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch, tập trung vào lĩnh vực, hoạt động thường phát sinh hành vi tham nhũng. Việc kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.

2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát

Đây là những hoạt động chủ yếu trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán, xét xử và giám sát có chức năng bảo vệ pháp luật và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, trong đó có tham nhũng. Đây là lực lượng chính trong cuộc đấu tranh chống vi phạm pháp luật.

Trong năm 2007, toàn ngành thanh tra đã triển khai 14.928 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện vi phạm về tài chính là 8.327.165 tỉ đồng và 1.261.806 USD, vi phạm về đất đai là 10.483,76 ha. Đã kiến nghị xử lý kỷ luật 234 tập thể, trên 2.300 cá nhân có sai phạm; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 153 vụ, trên 200 đối tượng[4].

Năm 2008, toàn ngành thanh tra đã triển khai 11.412 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tổng hợp kết quả từ 10.477 cuộc thanh tra đã kết luận, cho thấy: phát hiện sai phạm 7.053,418 tỉ đồng, 287.847USD, 12.308 ha đất; đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 3.808,376 tỉ đồng, 2.565 ha đất; giảm trừ quyết toán và xử lý khác 2.873,726 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 237 tập thể, 1.751 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 66 vụ việc, 95 người.[5]

Năm 2009, ngành thanh tra đã triển khai 3.745 cuộc thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, 10.037 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và 46.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 829 tập thể, 3.186 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 103.405 tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 95 vụ việc[6].

Theo báo cáo sơ bộ của Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2007, ngành kiểm toán đã tiến hành 105 cuộc kiểm toán, qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 11.613 tỉ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước và tăng thu khác là 2.789 tỉ đồng, giảm chi cho ngân sách nhà nước 1.240 tỉ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước là 265,6 tỉ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước là 6.084,7 tỉ đồng, các khoản nộp và giảm chi khác không thuộc ngân sách nhà nước là 1.233 tỉ đồng. Kiểm toán nhà nước đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hồ sơ kiểm toán Dự án phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì và Đề án 112 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có trách nhiệm để xảy ra sai phạm[7].

Có thể thấy rằng, hoạt động thanh tra, kiểm toán đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm kinh tế có dấu hiệu tham nhũng hoặc có nguy cơ dẫn đến tham nhũng nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Chính vì vậy, các hoạt động này được quy định rất chặt chẽ và đầy đủ trong các văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước. Một mặt, pháp luật trao cho các cơ quan này quyền hạn lớn để có thể đấu tranh với những vi phạm pháp luật, mặt khác cũng quy định chặt chẽ để hoạt động của các cơ quan này phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính chính xác, khách quan trong khi đánh giá, kết luận những vụ việc và người có hành vi vi phạm để tránh oan sai. Các văn bản quy định về hoạt động của các cơ quan này gồm có: Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998; được sửa đổi, bổ sung năm 2004 và năm 2005, Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2004, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004; được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Thanh tra năm 2010, Luật kiểm toán nhà nước năm 2005.

 Điều 62, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định: Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, toà án thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Việc phát hiện tham nhũng thông qua (hoạt động giám sát cũng được đề cập đến trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 tại Điều 63 quy định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 đưa ra nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng gồm sáu nội dung như sau:

- Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thanh tra theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước, phân định rõ thanh tra theo cấp hành chính và thanh tra theo ngành, lĩnh vực; tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra.

Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính chuyển mạnh sang thực hiện chức năng giám sát hành chính và tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu kết hợp tổ chức và hoạt động thanh tra với tổ chức và hoạt động kiểm tra của Đảng.

Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tập trung vào thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của cơ quan thanh tra;

- Sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về kiểm toán nhằm phân định phạm vi hoạt động giữa kiểm toán nhà nước và thanh tra tài chính, khắc phục sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán; đề cao trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên về tính chính xác, khách quan của các báo cáo kiểm toán;

- Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi pháp luật theo hướng tăng hình thức phạt tiền; miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt đối với những đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả; hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có;

- Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng, phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử;

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.

Nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, đồng thời tăng cường chế độ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng;

- Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo về tham nhũng, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; tăng cường trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại.

Nghiên cứu từng bước áp dụng các biện pháp, kỹ thuật điều tra đặc biệt với trình tự, thủ tục, điều kiện chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng.

3. Tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng

Tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, các nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tố cáo là một kênh quan trọng trong phát hiện hành vi tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định những nguyên tắc chung và nội dung cơ bản của tố cáo hành vi tham nhũng. Luật quy định cơ chế bảo vệ người tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, khen thưởng người tố cáo v.v..

Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật nói chung đã được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo, năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng với hai nhóm nội dung sau:

Thứ nhất, quyền của công dân trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, trách nhiệm của công dân khi thực hiện quyền tố cáo.

Điều 64, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

- Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

- Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và những người có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tố cáo của công dân đối với hành vi tham nhũng.

Luật phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo khỏi sự đe doạ trả thù, trù dập. Đây là vấn đề rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, người bị tố cáo là những người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí giữ chức vụ, quyền hạn rất cao nên họ có nhiều cách để trả thù người tố cáo hoặc giữ kín sự việc mà người tố cáo phát hiện cho Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phải có những cơ chế bảo vệ người tố cáo, tạo điều kiện để công dân tích cực phát hiện các hành vi tham nhũng, cơ quan nhà nước kịp thời xử lý.

Khoản 1, 2, Điều 65, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe doạ, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu".

Điều 41, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20-10-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũngđã cụ thể hoá các hình thức tố cáo hành vi tham nhũng mà người tố cáo có thể thực hiện:

Công dân tố cáo hành vi tham nhũng bằng các hình thức sau:

- Tố cáo trực tiếp;

- Gửi đơn tố cáo;

- Tố cáo qua điện thoại;

- Tố cáo bằng thông điệp dữ liệu.

Để tạo thuận lợi cho việc xử lý tố cáo và đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế việc lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, làm hại uy tín danh dự của người khác, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP cũng quy định: ngườitố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có.

 Những tố cáo về hành vi tham nhũng mà người tố cáo mạo tên, nội dung tố cáo không rõ ràng, thiếu căn cứ, những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới thì không được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, để tận dụng có hiệu quả các thông tin tố cáo, kể cả đối với các tố cáo nặc danh, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP cũng quy định: đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng (khoản 4, Điều 42). Đây là điểm mà các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải hết sức lưu ý khi xử lý các đơn thư tố cáo để tránh bỏ sót nhưng thông tin có giá trị. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng về vấn đề phát huy vai trò và sự tích cực, chủ động của xã hội và công dân trong đấu tranh chống tham nhũng đối với việc xử lý đơn thư tố cáo nặc danh (khoản 2, Điều 13 của Công ước).

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù, trù dập, trước hết Nghị định số 120/2006/NĐ-CP quy định những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm (Điều 45):

- Đe dọa, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, người thân của người tố cáo;

- Đe doạ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, các hoạt động kinh doanh, nghề nghiệp của người tố cáo, người thân của người tố cáo;

- Ngăn cản, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo trong việc nâng ngạch, tăng bậc lương, phụ cấp, khen thưởng, bổ nhiệm và việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo, người thân của người tố cáo;

- Phân biệt đối xử, lôi kéo người khác cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người tố cáo, người thân của người tố cáo;

- Xử lý kỷ luật trái pháp luật, thay đổi công việc của người tố cáo, người thân của người tố cáo với động cơ trù dập.

 Người nào thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 45 thì tuỳ theo tính chất, mức độ phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 120/2006/NĐ-CP cũng quy định cho người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị đe doạ, trả thù, trù dập.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, Điều 47, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP quy định như sau:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để giữ bí mật cho người tố cáo; không được tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và các thông tin khác liên quan đến người tố cáo.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận được yêu cầu của người tố cáo, người thân của người tố cáo khi bị đe đoạ, trả thù, trù dập thì phải kịp thời áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp đụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, người thân của người tố cáo như sau:

+ Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm người tố cáo, người thân của người tố cáo;

+ Đình chỉ, tạm đình chỉ các quyết định hành chính, ngăn chặn các hành vi hành chính trái pháp luật vì động cơ trả thù, trù dập gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho người tố cáo, người thân của người tố cáo;

+ Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo, người thân của người tố cáo.

Luật quy định trách nhiệm chủ yếu trong việc xử lý các tố cáo về hành vi tham nhũng thuộc về cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát như sau (khoản 3, Điều 65, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005):

- Cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

- Cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhận được tố cáo về hành vi tham nhũng phải xử lý theo thẩm quyền.

Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phải tạo điều kiện, cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, hạn chế thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.

Về khen thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về việc khen thưởng cho người tố cáo, những nôi dung cụ thể về điều kiện, mức độ, hình thức khen thưởng sẽ tiếp tục được nghiên cứu và quy định trong các văn bản sau này.

Điều 67, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định của pháp luật.

Điều 48, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP cũng khẳng định việc Nhà nước sẽ khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng: người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng thì được nhận bằng khen, giấy khen của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và được xem xét thưởng về vật chất.

Để thực hiện được tinh thần này, Điều 53 của Nghị định số 120/2006/NĐ-CP đã quy định về việc lập quỹ khen thưởng như sau:

- Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng được thành lập để khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

- Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng được lấy từ ngân sách nhà nước, trích từ tài sản được thu hồi từ các vụ, việc tham nhũng và đóng góp của tổ chức, cá nhân.

- Việc quản lý, sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020: cũng quy định: tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm minh những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

III- XỬ LÝ NGƯỜI CÓ HÀNH VI THAM NHŨNG, CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÁC VÀ TÀI SẢN THAM NHŨNG

 

Xử lý tham nhũng, trong đó có xử lý người có hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng là vấn đề quan trọng, là khâu cuối cùng trong quá trình đấu tranh với một hành vi hay vụ việc tham nhũng. Xử lý tham nhũng thể hiện rõ nét quan điểm và thái độ của Nhà nước cũng như phản ứng của xã hội đối với tham nhũng. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, về cơ bản, pháp luật nước ta đã có những quy định khá đầy đủ, chặt chẽ về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và tham nhũng nói riêng. Chính vì vậy, trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 không nhắc lại những quy định đó mà chỉ bổ sung một số quy định mới thể hiện quan điểm và thái độ đối với đấu tranh chống tham nhũng của nhà nước ta.

1. Xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 không chỉ quy định đối tượng có hành vi tham nhũng bị xử lý mà quy định cả các đối tượng khác có hành vi vi phạm liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hay trách nhiệm của mình mà pháp luật đã có quy định.

Điều 68 quy định đối tượng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự bao gồm:

- Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 của Luật này.

- Người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng.

- Người không xử lý báo cáo, tố giác, tố cáo, về hành vi tham nhũng.

- Người có hành vi đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

 - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

 - Người thực hiện hành vi khác vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối tượng có thể bị xử lý liên quan đến việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng rất đa dạng. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức, viên chức (là nhóm chủ yếu trong số những người có chức vụ, quyền hạn) thì hình thức xử lý phổ biến đối với họ (nếu chưa đến mức xử lý hình sự) là việc áp dụng các hình thức kỷ luật bao gồm:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Hạ bậc lương;

- Hạ ngạch[8];

- Cách chức;

- Buộc thôi việc.

Nếu hành vi vi phạm đến mức độ nguy hiểm cao gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại phần các Tội phạm về tham nhũng (bao gồm bảy tội danh) hoặc bị truy cứu về tội danh khác mà thông thường là Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. (Điều 285 của Bộ luật hình sự năm 1999; được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Luật phòng, chống tham nhũng đã có những quy định nghiêm khắc hơn về hậu quả pháp lý đối với người có hành vi tham nhũng, cụ thể ở hai điểm sau đây:

- Người có hành vi tham nhũng, tuỳ theo tính chất, trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồngnhândânthì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân” (Điều 69 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).

- So với quy định hiện hành về kỷ luật cán bộ, công chức, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 rõ ràng đã có sự nghiêm khắc hơn. Theo quy định của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (Điều 25): Hình thức buộc thôi việc: áp dụng đối với cán bộ công chứcphạm tội bị toà án phạt tù giam…

Như vậy, cán bộ, công chức phạm tội không thuộc nhóm tội tham nhũng thì chỉ bị đương nhiên buộc thôi việc nếu bị toà án phạt tù giam, còn nếu bị các hình phạt khác nhẹ hơn (cảnh cáo, cải tạo không giam giữ...) hoặc cũng bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn có thể không bị buộc thôi việc. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức phạm tội tham nhũng thì dù hình phạt mà toà án áp dụng như thế nào thì người đó cũng đương nhiên bị buộc thôi việc.

Nếu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bị toà án kết án về tội tham nhũng thì đương nhiên bị mất quyền đại biểu mà không cần phải qua các thủ tục về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm. Sau này, các văn bản quy định về đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với quy định này của Luật phòng, chống tham nhũng.

2. Xử lý tài sản tham nhũng

Tham nhũng về bản chất là một hành vi có tính chất vụ lợi và một trong những hậu quả mà tham nhũng gây ra là tài sản công bị chiếm đoạt. Chính vì vậy, mục tiêu quan trọng của đấu tranh chống tham nhũng là phải bảo vệ được lợi ích của Nhà nước cũng như lợi ích của tập thể và cá nhân. Chống tham nhũng cần quan tâm đến việc tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng, tránh tình trạng chỉ quan tâm đến việc xử lý người vi phạm về kỷ luật hay hình sự mà chưa quan tâm hoặc có biện pháp hữu hiệu để thu hồi lại số tài sản mà kẻ tham nhũng đã chiếm đoạt và có được từ việc thực hiện hành vi tham nhũng. Điều 70, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để, thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng;

- Tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước.

- Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ.

- Việc tịch thu tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Về cơ bản, những quy định trên đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, điểm mới khá quan trọng trong việc xử lý tài sản của người đưa hối lộ đó là khuyến khích người đưa hối lộ khai báo, phát giác hành vi nhận hối lộ. Mặc dù, còn khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề xử lý đối với người có hành vi hối lộ nhưng nhìn chung đều nhất trí rằng cần có quy định theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm cho người đưa hối lộ để khuyến khích họ phát giác hành vi nhận hối lộ. Thực tế cho thấy, việc xử lý cả người đưa hối lộ khi họ đã chủ động khai báo là không công bằng và gây ra những dư luận không đồng tình trong xã hội.

Điều 289 của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: "người đưa hối lộ... nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì người đưa hối lộ được trả một phần hoặc toàn bộ tiền và tài sản đã dùng để hối lộ. Trong khi đó theo quy định tại khoản 3 của Điều 70, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác đương nhiên được trả lại toàn bộ tài sảnđã dùng để hối lộ.

Ngoài ra, về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, để phù hợp với tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Điều 71, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với Chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp.

Nghị quyết Trung ương ba khóa X cũng nêu định hướng về vấn đề này như sau: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhanh chóng bổ sung vào Bộ luật hình sự các hành vi tham nhũng mới được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”.

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 cũng đưa ra giải pháp nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi pháp luật theo hướng tăng hình thức phạt tiền; miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt đối với những đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả; hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có.

Việc xử lý hành vi tham nhũng, các hành vi vi phạm pháp luật khác và tài sản tham nhũng có thể được khái quát dưới hai dạng:

- Xử lý kỷ luật, xử lý hình sự: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định hai hình thức chế tài áp dụng đối với người có hành vi tham nhũng là xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Theo đó, đối tượng bị áp dụng chế tài gồm: người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 của Luật; người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng; người không xử lý báo cáo, tố giác, tố cáo về hành vi tham nhũng; người có hành vi đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; người thực hiện hành vi khác vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Xử lý tài sản tham nhũng: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về nguyên tắc tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước. Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát hiện thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ. Theo Điều 71 về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài thì trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với Chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp.

 

IV- TRÁCH NHIỆM VÀ SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN,

TỔ CHỨC TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

 

1. Trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng

Trong quá trình nghiên cứu soạn thảo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, vấn đề tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng được thảo luận sôi nổi và có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về việc có nên tổ chức một cơ quan chuyên trách thực thi công tác đấu tranh chống tham nhũng với quyền hạn đặc biệt, được hoạt động theo trình tự, thủ tục đặc biệt để phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng hay không. Không ít ý kiến đồng ý với phương án này vì cho rằng tham nhũng là hành vi đặc biệt nguy hiểm, được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn nên việc phát hiện và xử lý sẽ rất khó khăn nếu chỉ sử dụng các biện pháp thông thường đã được quy định trong pháp luật về tố tụng hình sự. Thực tế cũng cho thấy, hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng hiện nay còn thấp, có thể do thiếu một cơ quan đủ mạnh để đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, sau khi xem xét đầy đủ thì thấy rằng, xét về phương diện pháp luật, chúng ta đã có khá đủ những phương tiện cần thiết để đấu tranh với tệ tham nhũng. Chúng ta có hệ thống các cơ thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, v.v., và các cơ quan này cũng đã được pháp luật quy định đầy đủ quyền hạn để đấu tranh với tham nhũng. Bộ luật hình sự năm 1999; được sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định rõ ràng về cấu thành các hành vi tham nhũng, hình phạt đối với tội danh tham nhũng cũng rất nghiêm khắc. Như vậy, không phải chúng ta thiếu pháp luật, cơ chế hay cơ quan chuyên trách mà do pháp luật chưa được thi hành đầy đủ, nghiêm túc, cơ quan có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình cũng như chưa có sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả giữa các cơ quan trong đấu tranh chống tham nhũng. Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh phức tạp, đòi hỏi nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính vì vậy, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 một mặt tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm của mình trong đấu tranh chống tham nhũng, mặt khác định ra các phương thức mới, giải pháp mới, cả về mặt tổ chức để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh này.

Trước hết, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Điều 72, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tổ chức phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên về việc phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Như vậy, người đứng đầu phải coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác lãnh đạo, quản lý của mình. Cần phải tổ chức cho cơ quan, đơn vị mình thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch. Phải giám sát thường xuyên và có các hình thức kiểm tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của đơn vị và cá nhân cấp dưới, nhất là những công việc có liên quan đến việc quản lý tiền và tài sản của nhà nước hoặc những công việc trực tiếp giải quyết công việc của công dân, doanh nghiệp. Phải kịp thời phát hiện những khiếm khuyết, lỗ hổng trong việc quản lý các mặt công tác của cơ quan, đơn vị để sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng.

Tiếp đó, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, là những cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Riêng Thanh tra Chính phủ, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định thêm một số trách nhiệm với vai trò là đầu mối trong việc theo dõi, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Điều 76 quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ như sau:

- Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 20-5-2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Nghị định này thay thế Nghị định số 55/2005/NĐ-CP ban hành ngày 25-4-2005. Theo quy định mới, Thanh tra Chính phủ có chức năng:là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Với quy định này, vai trò và trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và ngành Thanh tra nói chung trong công tác phòng, chống tham nhũng càng trở nên quan trọng

Điều 80, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định nội dung phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, toà án trong đấu tranh chống tham nhũng như sau:

- Trao đổi thường xuyên thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng;

- Chuyển hồ sơ vụ việc tham nhũng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý;

- Tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Về sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước với cơ quan điều tra, Điều 81, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định như sau:

- Trong trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước chuyển hồ sơ vụ việc tham nhũng cho cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra phải tiếp nhận và giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

- Trong trường hợp không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan điều tra thì cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có quyền thông báo với viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan điều tra cấp trên.

Điều 82, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về phối hợp công tác giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước với viện kiểm sát như sau:

- Trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ việc tham nhũng cho cơ quan điều tra thì cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát.

- Trong trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước chuyển hồ sơ vụ việc tham nhũng cho viện kiểm sát thì viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản cho cơ quan đã chuyển hồ sơ.

Các quy định nêu trên vừa quy định phương thức phối hợp công tác giữa các cơ quan trong đấu tranh chống tham nhũng, vừa tạo cơ chế ràng buộc, giám sát lẫn nhau trong hoạt động của các cơ quan để tránh tình trạng có thể bỏ lọt vụ việc tham nhũng trong quá trình hoạt động của các cơ quan này.

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 đề ra giải pháp về vấn đề này như sau: hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo về tham nhũng, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại. Nghiên cứu từng bước áp dụng các biện pháp, kỹ thuật điều tra đặc biệt với trình tự, thủ tục, điều kiện chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng.

2. Về các cơ chế và tổ chức có tính chất chuyên trách trong đấu tranh chống tham nhũng

Mặc dù chúng ta không chủ trương lập ra một cơ quan mới, chuyên trách để chống tham nhũng với quyền hạn đặc biệt, nhưng để khắc phục tình trạng chống tham nhũng một cách dàn trải, ít hiệu quả như hiện nay, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định một cơ chế và tổ chức mới có tính chất chuyên trách hơn để đảm nhiệm công tác này. Cụ thể:

a) Về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương

Hiện nay, nhiệm vụ chống tham nhũng được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, với nguyên tắc toàn bộ các cơ quan nhà nước, toàn thể hệ thống chính trị và cả xã hội có trách nhiệm tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, do các nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan còn mang tính riêng lẻ, thiếu sự thống nhất và phối hợp nên hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Luật phòng, chống tham nhũng quy định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với tư cách là cơ quan tham mưu chính sách và phối hợp sẽ không trực tiếp can thiệp mà chỉ điều phối vĩ mô hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật sẵn có, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống tham nhũng chung của tất cả các cơ quan này. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là một cơ quan luật định, có bộ phận giúp việc chuyên trách.

 Điều 73, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.

- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mặc dù do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu nhưng không phải là cơ quan của Chính phủ.Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban, giúp việc Ban Chỉ đạo có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.Như vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không hoàn toàn là một tổ chức có tính chất lâm thời đại diện mà đã từng bước thể hiện tính chất chuyên trách trong hoạt động của mình. Điều đó bảo đảm cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian tới.

Về chức năng nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các vụ việc tham nhũng cụ thể, không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan khác mà có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Thực hiện quy định nêu trên, ngày 28-8-2006 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11 về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và qui chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định về vị trí vai trò của Ban Chỉ đạo như sau (Điều 1):

- Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

- Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về hoạt động cụ thể:

- Trong quá trình chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định.

- Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ sự chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị của Ban Chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Điều 4, Điều 5 của Nghị quyết quy định:

Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:     

- Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng;

- Chỉ đạo, đôn đốc hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra; đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra hoạt động truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm góp phần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thông qua hoạt động của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý của chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đề ra biện pháp khắc phục, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp;

- Chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng, góp phần bảo đảm cho công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, cung cấp, đưa tin;

- Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, cung cấp thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng và các vụ, việc tham nhũng cụ thể, bảo đảm việc tuyên truyền, thông tin được kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xử lý nghiêm những hành vi vi phạm việc quản lý, cung cấp thông tin, vi phạm Luật báo chí, những trường hợp báo chí thông tin sai sự thật và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền, thông tin về phòng, chống tham nhũng để vu khống người khác, gây mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước;

- Tham mưu, đề xuất với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng trong từng thời gian và lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch và chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng;

- Định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ về tình hình và kết quả phòng, chống tham nhũng; công khai báo cáo hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng, về hoạt động của Ban Chỉ đạo và về việc xử lý những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ban Chỉ đạo có các quyền hạn sau đây:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý những vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiến nghị, yêu cầu với cơ quan, tổ chức, đơn vị vàngười có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng và khi cần thiết thì chỉ đạo tổ chức việc phúc tra; chủ trì thảo luận và kết luận chỉ đạo việc phối hợp xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với các vụ, việc đó hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và ngườicó thẩm quyền giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý được kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật;

- Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ thứ trưởng và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên thường trực hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó Chủ tịch, các thành viên khác của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chức vụ khác do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức.

Trong trường hợp cần thiết yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với đảng viên, cán bộ, công chức khác khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức; cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo trong thời hạn chậm nhất là bảy ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu;

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, tổ chức ở Trung ương không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 5 khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức;

- Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5; khi xét thấy cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức khác.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền không xử lý kỷ luật hoặc xử lý kỷ luật không nghiêm, Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu, kiến nghị cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm hoặc xem xét lại quyết định kỷ luật đó, bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật đảng và pháp luật của Nhà nước;

- Trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo khi cần thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia và thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng; đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng; kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xem xét, phục hồi quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại do cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền gây ra.

Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với những người có hành vi lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gây mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Về cơ cấu thành viên Ban Chỉ đạo bao gồm

1. Trưởng Ban Chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ;

2. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Chính phủ;

3. Các Uỷ viên Ban Chỉ đạo:

- Ủy viên thường trực[9];

- Tổng Thanh tra;

- Bộ trưởng Bộ Công an;

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin;

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương;

- Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương;

- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bắt đầu hoạt động từ tháng 10 năm 2006. Do việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng và việc bầu, phê chuẩn các chức danh của Chính phủ (tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII), theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thay đổi, bổ sung danh sách của Ban Chỉ đạo, gồm 10 thành viên[10].

Các Uỷ viên Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

Nghị quyết cũng quy định Văn phòng Ban Chỉ đạo là cơ quan hoạt động chuyên trách, giúp việc Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Văn phòng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn, có tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng làm cán bộ, công chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu đã thể hiện được hiệu quả. Tuy nhiên, với tình hình tham nhũng ngày càng lan rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực như hiện nay thì việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương là chưa đủ. Thực tiễn tại các địa phương cho thấy cần phải có một cơ chế để chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng có ghi rõ: “Sớm hình thành và triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng chương trình hành động phòng, chống tham nhũng”; và “Thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả”[11]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X ngày 21-8-2006 tiếp tục ghi rõ “Việc tổ chức bộ phận chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng ở các cấp các ngành thực hiện theo quy định của Chính phủ”[12]. Chính vì những lý do đó mà Luật phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của Ban Chỉ đạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngày 04 tháng 8 năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng. Theo đó, Điều 73 được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.

- Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận giúp việc.

- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa XI, kỳ hợp thứ 11 thông qua ngày 2-4-2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2007 quy định nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trong giám sát, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, Điều 74 của Luật được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

- Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

- Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương.

- Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.        

Sau khi có Nghị quyết số 294A/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 27-9-2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các tỉnh, thành phố đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết này và tính đến ngày 3-3-2008 đã có 52/64 tỉnh, thành phố thành lập ban Chỉ đạo[13].

b) Việc thành lập các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong một số cơ quan:

Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là các cơ quan có vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng hiện đang được tiến hành trong tổng thể các nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự của các cơ quan này. Luật phòng, chống tham nhũng quy định thành lập các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong các cơ quan này nhằm tăng cường khả năng chuyên sâu, tính độc lập trong hoạt động từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan này.

Điều 75, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng quy định tại khoản 1 Điều 75 do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định.

Đây là quy định rất quan trọng nhằm nhấn mạnh trách nhiệm cũng như tạo điều kiện cho các cơ quan nâng cao hiệu quả của đấu tranh chống tham nhũng trong hoạt động của mình. Cho đến nay, công tác đấu tranh chống tham nhũng chưa được giao cho một cơ quan, đơn vị nào, chống tham nhũng mới chỉ là nhiệm vụ có tính chất "phái sinh" thông qua hoạt động thực hiện đấu tranh chống vi phạm pháp luật nói chung trong các cơ quan này. Chẳng hạn, cơ quan thanh tra thực hiện công tác đấu tranh chống tham nhũng thông qua công tác thanh tra kinh tế - xã hội và công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tại cơ quan Công an có các đơn vị điều tra các tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tội phạm chức vụ, viện kiểm sát có đơn vị phụ trách công tác kiểm sát tương ứng đối với tội phạm này v.v.. Với quy định củaLuật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an sẽ thành lập ra các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị này là phát hiện và xử lý tham nhũng. Ngày 31-10-2006 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1424/QĐ-TTG về việc thành lập Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, trong đó quy định:

 Thành lập Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ để giúp Tổng Thanh tra quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chống tham nhũng theo thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2007. Đến nay, Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có 33 cán bộ với 5 phòng trực thuộc, Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra an tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 21 cán bộ và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng thuộc Bộ Công an (C37) có 170 cán bộ, chiến sĩ với 8 phòng trực thuộc. Theo chỉ đạo của Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang tiến hành thành lập Đội Điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (đã thành lập ở 44/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát án tham nhũng thuộc phòng kiểm sát điều tra án tham nhũng. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an tuy mới được thành lập nhưng đã có nhiều cố gắng trong hoạt động, có sự chuyển biến rõ nét trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng do cơ quan tố tụng địa phương thụ lý, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh chống tham nhũng trong cả nước[14].

Cùng với quy định thành lập các ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống tham hiện hành nhũng quy định nhiều nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, viện kiểm sát với những nội dung cơ bản sau:

- Nhấn mạnh trách nhiệm của từng cơ quan trong phòng, chống tham nhũng và đặc biệt là trách nhiệm phối hợp;

- Phân định rõ ràng hoạt động phối hợp chung nhằm phòng ngừa tham nhũng và phối hợp trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm.

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng được thể hiện trong nhiều văn bản, ví dụ: Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLTngày 23-5-2006 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 2462/2007/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA ngày 19-11-2007 của Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về chế độ trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng v.v..

 

V- VỀ VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM 
CỦA XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

Tham nhũng là căn bệnh của bộ máy nhà nước đồng thời đó cũng là một tệ nạn xã hội cần bài trừ, lên án. Mọi công dân đều có trách nhiệm tham gia tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ các điều kiện tồn tại của tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Nếu như đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của các tổ chức và từng thành viên trong xã hội. Về phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng, các nước trên thế giới đều khẳng định trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống tệ nạn tham nhũng.

Quyền lực nhà nước xuất phát từ quyền lực của từng thành viên trong xã hội nên xã hội có quyền và cần phải giám sát việc thực hiện để bảo đảm quyền lực đó được sử dụng để phục vụ xã hội cũng như từng người dân, để phát hiện và loại trừ ra khỏi bộ máy những cá nhân nào lợi dụng quyền lực xã hội trao cho mình để mưu lợi cá nhân. Các nước trên thế giới, khi xây dựng chiến lược phòng, chống tham nhũng, hầu như đều ghi nhận xã hội công dân là một trong những trụ cột chính để đấu tranh chống tham nhũng. Điều 13 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng lưu ý: Mỗi quốc gia thành viên của Công ước, trong khả năng có thể và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp nước mình, áp dụng các biện pháp thích hợp, nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng, vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng và nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về sự tồn tại, nguyên nhân và tính chất nghiêm trọng cũng như sự đe doạ của tham nhũng.

Vai trò của xã hội thể hiện ở việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng, xã hội có quyền đòi hỏi Nhà nước thực hiện đúng chức năng của mình cũng như đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hình thành nên từ sự đóng góp của các thành viên trong xã hội. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý để xã hội tham gia vào đấu tranh chống tệ tham nhũng qua việc quy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; vai trò và trách nhiệm của báo chí; vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của công dân và ban thanh tra nhân dân với các loại hình tham gia thích hợp với tính chất hoạt động của các tổ chức này.

Với quan niệm vai trò và sự tham gia của xã hội trong phòng, chống nhũng là một yếu tố thiết yếu trong một hệ thống phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý hiện hành nhằm khuyến khích và đảm bảo việc tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, gồm:

- Ghi nhận và đề cao vai trò cũng như trách nhiệm của các đoàn thể xã hội, báo chí, doanh nghiệp và công dân trong phòng, chống tham nhũng; có các quy định cụ thể nhằm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của xã hội;

- Quy định rõ về quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức và công dân; cơ chế cụ thể để thực hiện quyền này;

- Quy định những nội dung cơ bản về tố cáo hành vi tham nhũng. Chế định về tố cáo hành vi tham nhũng là một phần quan trọng của Luật phòng, chống tham nhũng, là cơ chế quan trọng nhất để công dân trực tiếp tham gia phát hiện tham nhũng.

1. Về vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được coi là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị trong thiết chế quyền lực của nhà nước ta, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của bộ máy chính quyền nhân dân. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật về Mặt trận và các tổ chức thành viên, Điều 85 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm sau đây:

- Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên tuyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng;

- Động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng;

- Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng;

- Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi ngày.

Như vậy, một mặt, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 ghi nhận vai trò hết sức to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên trong đấu tranh chống tham nhũng, mặt khác Luật cũng đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xem xét, thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức thành viên, tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện tốt quyền giám sát của mình.

Ngày 27-3-2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Nghị định quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác phòng, chống tham nhũng về các mặt hoạt động cụ thể như sau:

- Phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

+ Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân.

+ Cơ quan nhà nước tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân; động viên hội viên, đoàn viên, nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trong trường hợp cơ quan nhà nước chủ trì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp có liên quan tham gia phối hợp.

- Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân trong địa phương.

- Phối hợp trong hoạt động giám sát việc thực biện pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

+ Khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở, cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, tiếp thu kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp, ban thanh tra nhân dân và ý kiến của nhân dân phản ánh thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Hội đồng nhân dân các cấp khi thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm mời đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia xây dựng kế hoạch giám sát, tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Hội đồng nhân dân.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 Để thực hiện tốt điều này, Luật hiện hành quy định người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm:

- Cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên;

- Cử đại diện tham gia hoạt động giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khi được đề nghị;

- Xem xét, giải quyết và trả lời yêu cầu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng;

- Xem xét, giải quyết kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc biểu đương, khen thưởng người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng;

- Xem xét, giải quyết kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc sửa đổi, bổ sung, đình chỉ hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật không phù hợp, làm nảy sinh tham nhũng.

- Phối hợp trong việc cung cấp thông tin, thực biện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, xác minh, xử lý người có hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng

+ Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chúc thành viên khi có yêu cầu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Việc yêu cầu cung cấp thông tin của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về vụ việc tham nhũng, trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của Điều 31, Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 120/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20-10-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật.

+ Khi nhận được yêu cầu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham những, xử lý người có hành vi tham nhũng thì trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, trả lời Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về việc xem xét, xử lý đó. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi (30) ngày.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được tố cáo về vụ việc tham nhũng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chuyển đến có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong thời hạn bảy (7) ngày kể từ ngày vụ việc được giải quyết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đến biết kết quả.

+ Trong quá trình xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng, người có hành vi tham nhũng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc tham nhũng, người có hành vi tham nhũng để làm cơ sở xem xét, giải quyết. Thời hạn cung cấp thông tin của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi cần thiết, cơ quan nhà nước đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cử đại diện của tổ chức mình tham gia xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng.

- Phối hợp trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

+ Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng của hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân:

Văn phòng hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, cơ quan tư pháp của ủy ban nhân dân cùng cấp có trách nhiệm tập hợp những ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp về dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của ủy ban nhân dân trình cơ quan có thẩm quyền;

Đối với dự thảo nghị quyết, quyết định, chỉ thị có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng thì cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự thảo để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp có liên quan tham gia ý kiến.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành những vấn đề mà pháp luật quy định trách nhiệm tham gia phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thành viên ở địa phương.

- Về phối hợp trong phòng, chống tham nhũng thông qua hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, giới thiệu hội thẩm toà án nhân dân, Luật hiện hành quy định:

Khi nhận được yêu cầu xác minh của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về dấu hiệu tham nhũng của những người được lựa chọn, giới thiệu là ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân thì trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, trả lời. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi (30) ngày.

Để thực hiện các nội dung như trên, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP cũng quy định việc xây dựng nội dung phối hợp công tác về phòng, chống tham nhũng như sau:

- Cơ quan nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây đựng nội dung phối hợp về công tác phòng, chống tham nhũng. Nội dung phối hợp được quy định trong quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Nội dung phối hợp về công tác phòng, chống tham nhũng phải căn cứ vào yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nội dung phối hợp có những hoạt động chủ yếu sau:

+ Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

+ Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

+ Phối hợp trong việc cung cấp thông tin, phát hiện, xác minh, xử lý vụ việc tham nhũng;

+ Các biện pháp tổ chức thực hiện;

+ Trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp.

2. Về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng

Khoản 1 và 2, Điều 86, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng.

- Cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Có thể thấy, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về vai trò và sự tham gia của báo chí vào đấu tranh chống tham nhũng với những định hướng và quan điểm khá rõ ràng cụ thể. Chống tham nhũng thực chất là việc chữa trị căn bệnh của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng một xã hội công bằng tốt đẹp, dân chủ và văn minh. Vì vậy, báo chí một mặt lên án, đấu tranh và tạo sự phản ứng mạnh mẽ của công luận đối với những hành vi tham nhũng cũng như những biểu hiện tiêu cực, lối sống xa hoa lãng phí, tệ quan liêu hách dịch cửa quyền của những kẻ thoái hoá biến chất trong bộ máy nhà nước. Nhưng mặt khác, báo chí cũng cần chú trọng đến việc nêu những tấm gương tốt, những người dũng cảm dám đấu tranh với nạn tham nhũng, những hành vi ứng xử đúng đắn của cán bộ, công chức và của các thành viên khác trong xã hội để cùng nhau xây dựng một nếp sống lành mạnh, một nền văn hoá phi tham nhũng ngay từ nhận thức và những ứng xử thường nhật trong hoạt động công quyền và ngay cả trong đời sống xã hội. Điều đó phù hợp với nguyên tắc và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đấu tranh chống tham nhũng là sự kết hợp giữa “xây” và “chống”, giữa việc bài trừ những mặt tiêu cực với việc xây dựng và cổ vũ các nhân tố tích cực, giữa cái lạc hậu và cái tiến bộ trong quá trình phát triển.

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí và phóng viên cùng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ cơ quan báo chí và phóng viên thực hiện được chức năng của mình. Khoản 3 và 4, Điều 86, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và phóng viên trong hoạt động nghề nghiệp của mình để bảo đảm đúng mục đích hoạt động của báo chí, để báo chí thực sự là cơ quan của Đảng và là tiếng nói của nhân dân, qua đó phát huy vai trò tích cực của mình như một vũ khí mạnh mẽ và có hiệu quả trong đấu tranh chống tham nhũng. Luật quy định một cách cân bằng quyền nghĩa vụ của cơ quan báo chi trong việc tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng.

 Cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đồng thời cơ quan báo chí, phóng viên phải đưa tin trung thực, khách quan. Tổng biên tập, phóng viên chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Trên cơ sở các quy định của Luật, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP đã cụ thể hoá một số vấn đề liên quan đến vai trò và trách nhiệm của báo chí trong lĩnh vực này:

- Tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng:

Cơ quan báo chí, nhà báo thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình có trách nhiệm:

+ Tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức.

+ Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, động viên nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống tham những.

+ Biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực của tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.

+ Lên án, đấu tranh với người có hành vi tham nhũng.

- Việc thu thập, cung cấp thông tin về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng:

+ Khi nhận được kiến nghị, phản ánh, tin, bài của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo có quyền thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để làm rõ về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật.

+ Khi nhận được yêu cầu của cơ quan báo chí, nhà báo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan báo chí, nhà báo, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời. Việc yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí, nhà báo về vụ việc tham nhũng và trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 31, Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 120/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20-10-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật.

Ngoài ra, để đề cao trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP cũng có những quy định cụ thể liên quan đến việc đưa tin của cơ quan báo chí, nhà báo về phòng, chống tham nhũng như sau:

+ Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Khi đưa tin về vụ việc tham nhũng, người có hành vi tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo phải đưa tin trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đưa tin đó.

+ Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được tố cáo của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân bằng văn bản. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết. Cơ quan báo chí có quyền đưa tin về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng từ các thông tin, tài liệu mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin được đăng tải trên báo chí.

Trường hợp có căn cứ cho rằng kiến nghị, phản ánh, tin, bài, tố cáo của công dân về vụ việc tham nhũng không có cơ sở thì cơ quan báo chí thông báo cho công dân về việc không đưa tin và nêu rõ lý do.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí và nâng cao chất lượng, vai trò của báo chí trong đời sống xã hội nói chung và trong phòng, chống tham nhũng nói riêng, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định:

- Tổng biên tập, nhà báo chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí.

- Cơ quan báo chí, nhà báo không được đưa tin về những vụ việc không có căn cứ rõ ràng; đưa tin sai sự thật; phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân; không được tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền và nghiã vụ từ chối tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng, về người có hành vi tham nhũng nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân hoặc chánh án toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

- Khi đưa tin trên báo chí về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo đưa tin sai sự thật phải cải chính, xin lỗi theo quy định của pháp luật về báo chí. Nếu lợi dụng quyền thông tin báo chí để xuyên tạc, vu khống thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

3. Về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng

Các doanh nghiệp và doanh nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc Nhà nước quyết định lấy ngày 9-2 là “Ngày doanh nhân” Việt Nam và các cuộc gặp hàng năm của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp thể hiện rõ thái độ trân trọng của xã hội đối với sự đóng góp của các doanh nghiệp góp phần chấn hưng nước nhà đồng thời cũng thể hiện thái độ cầu thị của các cơ quan nhà nước trong việc lắng nghe ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý và cơ chế quản lý để có biện pháp khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và thuận lợi trong việc phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế những năm qua, các doanh nghiệp là nạn nhân của tệ tham nhũng cửa quyền sách nhiễu từ những người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã tìm cách móc nối với những kẻ thoái hoá biến chất trong bộ máy nhà nước, tiếp tay cho hành vi tham nhũng để mưu lợi cá nhân. Điều đó làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, làm xấu đi môi trường kinh doanh cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Chính vì vậy, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa là trách nhiệm vừa là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Điều 87, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề như sau:

- Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo về hành vi tham nhũng và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng.

- Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

- Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và hội viên có trách nhiệm kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng.

- Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế kiểm soát nội bộ ngăn chặn hành vi tham ô, đưa hối lộ.

Cụ thể hoá quy định này của Luật, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP đã nêu ra các hoạt động mà doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có thể thực hiện để góp phần phòng, chống tham nhũng như sau:

- Tuyên truyền, động viên cán bộ, người lao động thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng:

+ Đối với doanh nghiệp:

Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp; vận động cán bộ, người lao động thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng;

Tổ chức các hình thức động viên, giáo dục cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp thực hiện quy tắc ứng xử trong hoạt động của doanh nghiệp để phòng ngừa tham nhũng.

+ Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề:

Tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các hội viên của hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; vận động hội viên thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham những;

Tổ chức các hình thức động viên, khuyến khích các hội viên xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp để phòng ngừa tham nhũng.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng:

+ Doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua việc thực hiện cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước và người lao động trong doanh nghiệp; thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện các quy định về kiểm soát nội bộ nhằm phòng, chống tham nhũng; khuyến khích việc phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng. Đặc biệt là phải bài trừ việc tìm cách đưa hối lộ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền dưới mọi hình thức nhằm giành lợi thế trong hoạt động kinh doanh.

+ Doanh nghiệp cũng cần ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp nhằm phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi tham nhũng phát sinh trong nội bộ hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

- Thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng:

Khi phát hiện có hành vi tham những thì doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đó biết.

- Cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng:

+ Khi nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm cung cấp thông tin mà mình có được về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết trong phạm vi quyền và trách nhiệm của mình để phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, người có hành vi tham nhũng.

+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cho doanh nghiệp, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, góp phần phòng, chống tham nhũng.

- Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng:

Đây là vấn đề rất quan trọng và có ý nghĩa đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Thông qua thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu thấy có những điểm bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản pháp luật không phù hợp, làm phát sinh tham nhũng, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng.

- Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đại diện cho lợi ích của giới doanh nghiêp vừa và nhỏ. Để góp phần cùng các cơ quan nhà nước đấu tranh chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm:

+ Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, động viên doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tham gia phòng, chống tham nhũng.

+ Phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng.

+ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Khoản 5, Điều 87, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ động phối hợp với các tổ chức đại diện doanh nghiệp và các doanh nghiệp tạo ra một diễn dàn trao đổi thẳng thắn cởi mở để cùng thống nhất hành động trong việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nhiệp, hiệp hội ngành nghề và các tổ chức khác tổ chức diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 3, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP đã cụ thể hoá quy định này, theo đó, cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, tạo điều kiện để cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, ban thanh tra nhân dân, công dân trong phòng, chống tham nhũng.

4. Về trách nhiệm của công dân và ban thanh tra nhân dân

Công dân có thể tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng bằng việc trực tiếp thực hiện quyền tố cáo của mình như đã được giới thiệu trong phần phát hiện tham nhũng hoặc thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, một tổ chức để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở địa phương, cơ sở. Tổ chức hoạt động của ban thanh tra nhân dân đã được quy định đầy đủ tại Luật thanh tra năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 88, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định:

- Công dân tự mình, thông qua ban thanh tra nhân dân hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng.

- Ban thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn, trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Nghị định số 47/2007/NĐ-CP quy định ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng thông qua các công việc cụ thể như sau:

- Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, cán bộ, người lao động về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

- Phát hiện hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

- Trực tiếp hoặc thông qua Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, Ban chấp hành công đoàn cơ sở kiến nghị với chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hành vi tham nhũng và giám sát việc giải quyết đó.

Để tạo điều kiện cho ban thanh tra nhân dân phát huy vai trò của mình, pháp luật quy định, trong quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ban thanh tra nhân dân có quyền hạn như sau:

- Đề nghị chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám sát.

- Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, người có hành vi tham nhũng thì ban thanh tra nhân dân kiến nghị chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho ban thanh tra nhân dân. Trường hợp kiến nghị không được xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì ban thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh hoặc kiến nghị cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết.

Trên thực tế, tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân đã được quy định cụ thể và khá đầy đủ trong Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28-7-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân và nhất là những nội dung giám sát trong Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở. Đây là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình, góp phần phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

[1]. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ - Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam: Thông cáo báo chí tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ ba, tháng 6-2008.

[2]. Xem: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới.

[3]. Nay là Luật cán bộ, công chức năm 2010 (BT).

[4]. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2008 của ngành thanh tra.

[5]. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2009 của ngành thanh tra.

[6]. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2010 của ngành thanh tra.

[7]. Theo Báo cáo số 01/BC-BCĐ ngày 26-02-2008 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2008.

[8]. Theo Luật cán bộ công chức, có hiệu lực từ ngày 01-01-2010 thì không còn hình thức kỷ luật “hạ ngạch” mà thay vào đó là hình thức “giáng chức”.

[9]. Kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo.

[10]. So với trước kia, Ban Chỉ đạo không có Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương do cơ quan này đã giải thể, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - thông tin được thay bằng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

[11]Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 257-258, 289.

[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.30.

[13]. Theo Báo cáo số 01/BC-BCĐ ngày 26-2-2008 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2008.

[14]. Theo Báo cáo số 01/BC-BCĐ ngày 26-2-2008 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2008.

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.124.636
Truy cập hiện tại 119