Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tìm hiểu pháp luật về tố cáo phần 2b
False 11110Ngày cập nhật 18/03/2015

MỤC LỤC

Tìm hiểu pháp luật về tố cáo:

Phần 1        Phần 2a        Phần 2b        Phần 3-5        Phần 6

 

 

Câu hỏi 24: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gì trong giải quyết tố cáo?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Tố cáo, trong công tác giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của mình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

+ Tổ chức việc tiếp nhận, và xử lý thông tin tố cáo;

+ Tổ chức việc xác minh nội dung tố cáo.

+ Kết luận nội dung tố cáo;

+ Tiến hành xử lý tố cáo;

+ Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

+ Tiến hành việc xử lý tố cáo khi có kết luận về nội dung vụ việc, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để đảm bảo thi hành các quyết định xử lý tố cáo.

Câu hỏi 25. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết những vụ việc tố cáo nào?

Trả lời:

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 13 và Điều 17 Luật tố cáo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết những vụ việc tố cáo sau:

+ Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

+ Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức nhưng người đó do mình quản lý trực tiếp.

Theo các quy định nêu trên thì trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm nhiệm vụ, công vụ của Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thì vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, bởi vì Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không phải do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quản lý trực tiếp.

- Đối với những tố cáo về hành vi phạm tội thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nói riêng; trong trường hợp nhận được những tố cáo này thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chuyển cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Tương tự như vậy, trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của mình, nếu phát hiện hành vi vi phạm về nhiệm vụ, công vụ có dấu hiệu phạm tội thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cũng phải chuyển vụ việc, các thông tin, tài liệu có được cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 26. Khi nhận được tố cáo mà hành vi bị tố cáo gây thiệt hại, đe doạ gây thiệt hại hoặc người tố cáo bị đe doạ, trù dập, trả thù thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cần phải làm gì?

Trả lời:

Căn cứ vào khoản 4 Điều 20 Luật tố cáo, đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chỉ đạo hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Căn cứ vào khoản 3 và Khoản 4 Điều 38 Luật tố cáo, Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm để người tố cáo không bị phân biệt đối xử, trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình hoặc khi nhận được yêu cầu của người giải quyết tố cáo về việc áp dụng biện pháp bảo vệ thì trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, quyết định áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để bảo vệ người tố cáo như sau:

- Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo;

- Khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm;

- Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo;

Những quy định trên đây có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tránh thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, đồng thời nếu người tố cáo bị đe doạ, trả thù, trù dập thì có biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo vệ người tố cáo đã vì quyền lợi chung báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật.

Câu hỏi 27: Quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Điều 21 Luật tố cáo quy định: Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Theo quy định trên, thời hạn 60 ngày, 90 ngày, 30 ngày ở đây được tính liên tục kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo, bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ.

 

Câu hỏi 28: Tại sao việc giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo được thể hiện bằng văn bản? Ai có thẩm quyền giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 22 Luật tố cáo quy định người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo. Như vậy, tuỳ vào tính chất, đặc điểm, nội dung vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo.

Việc xác minh nội dung tố cáo rất quan trọng trong giải quyết tố cáo. Người được giao xác minh nội dung tố cáo chỉ được tiến hành trong phạm vi, thời gian, nội dung được giao. Do đó, việc giao xác minh nội dung tố cáo phải được thể hiện bằng văn bản.  Khoản 2 Điều 22 Luật tố cáo quy định: trong trường hợp giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo phải giao việc xác minh bằng văn bản, trong đó có các nội dung: Ngày, tháng, năm giao xác minh; tên, địa chỉ của người bị tố cáo; người được giao xác minh nội dung tố cáo; nội dung cần xác minh; thời gian tiến hành xác minh; quyền hạn và trách nhiệm của người được giao xác minh nội dung tố cáo.

Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể giao cho cán bộ hoặc trực tiếp tiến hành hoạt động này. Trong trường hợp giao cho cán bộ thì phải giao bằng văn bản như trên.

 

 

Câu hỏi 29: Người xác minh nội dung tố cáo có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 22 và Điều 11 Luật tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo có quyền và nghĩa vụ sau:

- Quyền của người xác minh nội dung tố cáo: Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

- Nghĩa vụ của người xác minh nội dung tố cáo:

Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc xác minh tố cáo; áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo; không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo; bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi xác minh nội dung tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

Người xác minh nội dung tố cáo phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản, khi cần thiết thì lập thành biên bản, được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc tố cáo. Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc tố cáo, dùng làm căn cứ để chứng tỏ sự việc. Thông tin, tài liệu thường được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như tổ chức hoặc cá nhân gây ra sự việc, tổ chức hoặc cá nhân có liên quan biết rõ sự việc, những hiện vật, tài liệu có liên quan đến vụ việc tố cáo. Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo cần xác minh. Không được suy diễn theo ý chí chủ quan của mình hoặc chỉ căn cứ vào những thông tin một chiều mà đưa ra kết luận xác minh thiếu căn cứ pháp luật. Việc giải trình của người bị tố cáo phải được lập thành biên bản, có chữ ký của người xác minh nội dung tố cáo và người bị tố cáo.

Trên cơ sở những tài liệu, thông tin, bằng chứng đã thu thập được, qua phân tích, đánh giá, nếu thấy đủ cơ sở kết luận thì người xác minh có trách nhiệm kết luận nội dung xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý và báo cáo người giải quyết tố cáo.

Câu hỏi 30: Trình tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 về quy trình giải quyết tố cáo thì trình tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo được quy định như sau:

- Thông báo quyết định thành lập Tổ xác minh;

- Làm việc trực tiếp với người tố cáo, nếu cần thiết;

- Làm việc trực tiếp với người bị tố cáo;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo (nếu cần thiết);

- Thu thập, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo;

- Xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết;

- Trưng cầu giám định (nếu cần thiết);

- Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo.

 

Câu hỏi 31: Sau khi có kết quả xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tiến hành xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật tố cáo quy định: Căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo. Trường hợp người giải quyết tố cáo tự tiến hành xác minh nội dung tố cáo thì kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý theo thẩm quyền.

Kết luận nội dung tố cáo là văn bản quan trọng nhất của việc giải quyết tố cáo, phản ánh toàn bộ kết quả của việc giải quyết vụ việc tố cáo, là đánh giá của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với nội dung tố cáo, xác định việc tố cáo đó đúng, đúng một phần hay sai toàn bộ, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, từ đó có các biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Theo quy định tại Điều 25 Luật tố cáo, nội dung của kết luận nội dung tố cáo gồm: Kết quả xác minh nội dung tố cáo; kết luận việc tố cáo đúng, đúng một phần hoặc sai; xác định trách nhiệm của từng cá nhân về những nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (nếu có).

Câu hỏi 32: Kết luận nội dung tố cáo phải gửi cho ai?

Trả lời:

Sau khi kết luận nội dung tố cáo được ban hành, người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận cho người bị tố cáo, cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan cấp trên trực tiếp. Với nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình giải quyết tố cáo - người tố cáo phải được bảo vệ, các cơ quan tổ chức không được để lộ các thông tin có hại cho người tố cáo. Vì vậy, Luật tố cáo quy định việc gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo và bảo vệ bí mật nhà nước; đồng thời người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết tố cáo.

Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, sau khi kết luận nội dung tố cáo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi kết luận cho người bị tố cáo, thanh tra huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện và gửi cho người tố cáo (nếu có yêu cầu).

Câu hỏi 33: Việc xử lý tố cáo được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo là khâu cuối cùng và quan trọng trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo. Điều 25 Luật tố cáo quy định sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau:

- Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm các quy định pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.

- Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm các quy định trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi 34: Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được quy định như thế nào?

          Trả lời:

Trong thực tiễn, ngoài các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì có một loại hành vi mà thực tiễn thường xảy ra rất phổ biến đó là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Nhằm giúp công dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tới đúng cơ quan có thẩm quyền, hạn chế trường hợp đơn thư tố cáo vòng vo, hiệu quả giải quyết thấp, Điều 31 Luật tố cáo đã quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như sau:

“Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan chủ trì giải quyết; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

 Như vậy, nguyên tắc xác định thẩm quyền này được áp dụng khi có hai điều kiện:

- Người bị tố cáo là bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào;

- Hành vi bị tố cáo là vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong việc phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Vì vậy căn cứ vào nội dung tố cáo đó để xác định thẩm quyền giải quyết, nếu liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là hành vi do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Vi phạm pháp luật có thể xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực trong quản lý nhà nước và thuộc thẩm quyền xử phạt của rất nhiều cơ quan, cá nhân. Luật tố cáo đã quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực dựa theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nhằm tạo điều kiện để việc giải quyết tố cáo, xử lý tố cáo có thể được tiến hành nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Việc xác định nội dung tố cáo liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết là chưa đủ, do vậy Luật tiếp tục quy định người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bởi lẽ không phải bất kỳ chủ thể nào có thẩm quyền quản lý nhà nước cũng đều có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cũng như không phải tất cả người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đều có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Việc quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có thể dẫn đến trường hợp trong một vi phạm pháp luật sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều chủ thể. Trường hợp này, thẩm quyền giải quyết được Luật tố cáo xác định thuộc về cơ quan thụ lý đầu tiên để tránh trường hợp nhiều cơ quan cùng giải quyết tố cáo và cùng xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến vi phạm nguyên tắc “một vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” đã được Luật xử lý vi phạm hành chính quy định.

Câu hỏi 35: Thẩm quyền giải quyết tố cáo liên quan đến chức năng quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức thì được quy định như thế nào?

Trả lời:

Trên thực tế tố cáo có nội dung hết sức đa dạng, phức tạp, có tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của một cơ quan, tổ chức, song có tố cáo lại liên quan đến chức năng quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức. Vì vậy việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với loại tố cáo này hết sức phức tạp,  liên quan đến cơ chế quản lý và kỷ luật cán bộ, công chức, đảng viên và phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước, sự phân cấp giữa trung ương với địa phương... Vì vậy, Luật tố cáo đã xác định nguyên tắc trong việc xử lý trường hợp này: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết (khoản 2. Điều 12).

Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có hình thức cũng hết sức đa dạng, có trường hợp hình thức giống nhau nhưng do tính chất, mức độ sai phạm của hành vi khác nhau mà việc xử lý, giải quyết khác nhau. Nếu hành vi vi phạm ở mức độ nguy hiểm, có dấu hiệu tội phạm thì Nhà nước phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết, nghiêm khắc hơn đối với người có hành vi vi phạm, đó là biện pháp hình sự mà người có thẩm quyền là các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết. Việc giải quyết tố cáo đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm đã được quy định rất chặt chẽ và đầy đủ trong pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy Luật tố cáo không quy định vấn đề này mà dẫn chiếu đến nguyên tắc “ tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Câu hỏi 36: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực?

Trả lời:

Điều 18 Luật tố cáo quy định: Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự: (1) tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; (2) xác minh nội dung tố cáo; (3) kết luận nội dung tố cáo; (4) xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và (5) công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

- Việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

Việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện như đối với tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự: Người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, người tiếp nhận tố cáo phải trực tiếp tiến hành hoặc báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng các biện pháp cần thiết để đình chỉ hành vi vi phạm và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật (nếu có); việc xác minh, kiểm tra thông tin về người tố cáo được thực hiện trong trường hợp người giải quyết tố cáo thấy cần thiết cho quá trình xử lý hành vi bị tố cáo.

- Xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

Việc xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cũng được thực hiện như xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ . Tuy nhiên, trong trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì người tiếp nhận tố cáo phải trực tiếp tiến hành hoặc báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo để người có thẩm quyền tiến hành hoặc đề nghị xử lý hành vi vi phạm đó.

Luật tố cáo đã đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết đối với những vụ việc có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể để xử lý nhanh chóng và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, đảm bảo phù hợp với tính chất, yêu cầu xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

- Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo

Việc quyết định xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện như đối với việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, đối với trường hợp nội dung tố cáo rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì sau khi xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để đình chỉ hành vi vi phạm và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) thì người giải quyết tố cáo ra quyết định xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (được thực hiện theo câu số 43 của cuốn tài liệu này).

Câu hỏi 37: Hồ sơ giải quyết tố cáo gồm những tài liệu gì? Việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ giải quyết tố cáo như thế nào?

Trả lời:

Việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Theo quy định tại Điều 29 Luật tố cáo, Hồ sơ vụ việc tố cáo gồm:

-         Đơn tố cáo hoặc bản ghi nội dung tố cáo;

-         Quyết định thụ lý giải quyết tố cáo;

-         Biên bản xác minh, kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết;

-         Văn bản giải trình của người bị tố cáo;

-         Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh;

-         Kết luận nội dung tố cáo;

-         Quyết định xử lý, văn bản kiến nghị biện pháp xử lý (nếu có);

-         Các tài liệu khác có liên quan.

Thông tư số 06/2013/TT-TTCP có quy định Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm giúp người giải quyết tố cáo lập hồ sơ giải quyết tố cáo. Thời điểm mở hồ sơ giải quyết tố cáo là ngày Tổ xác minh được thành lập. Thời điểm đóng hồ sơ giải quyết tố cáo là ngày người có thẩm quyền thực hiện xong việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đóng hồ sơ, Tổ trưởng Tổ xác minh hoàn tất việc sắp xếp, lập mục lục và bàn giao hồ sơ cho bộ phận lưu trữ của cơ quan của Tổ trưởng Tổ xác minh hoặc bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác được người giải quyết tố cáo giao quản lý hồ sơ  giải quyết tố cáo.

Việc lưu giữ, khai thác, sử dụng hồ sơ vụ việc tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo.

Câu hỏi 38: Trách nhiệm thông tin, báo cáo về công tác giải quyết tố cáo được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 43 Luật tố cáo quy định:

- Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao định kỳ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và thông báo đến Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác giải quyết tố cáo

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Chính phủ về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan mình theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Chính phủ.

- Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, cơ quan cấp trên và thông báo đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi địa phương và lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình.

Đối với cấp xã, theo quy định trên, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm định kỳ báo cáo công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi địa phương cho Hội đồng nhân dân cùng cấp, cơ quan cấp trên và thông báo đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Chế độ thông tin, báo cáo về công tác giải quyết tố cáo được thực hiện theo Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng (trong đó quy định cụ thể về các loại báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, trách nhiệm báo cáo).

 

          Câu hỏi 39: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam cấp xã có vai trò như thế nào trong công tác giải quyết tố cáo?

Trả lời:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong công tác giải quyết tố cáo. Thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác giải quyết tố cáo, Điều 44 Luật tố cáo quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân, hội viên của mình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố cáo, giám sát việc thi hành pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo”

Như vậy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cấp xã với tư cách là các tổ chức thành viên của Mặt trận như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân…có nhiệm vụ động viên nhân dân, hội viên của mình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố cáo và giám sát việc thi hành pháp luật về tố cáo.

          Câu hỏi 40: Việc áp dụng pháp luật tố cáo được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nhằm đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, Điều 3 Luật tố cáo quy định cụ thể như sau :

“1. Việc tố cáo của cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

3. Trường hợp luật khác có quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo thì áp dụng quy định của luật đó.”

Như vậy, Luật tố cáo đã quy định việc tố cáo của cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cơ quan, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì được áp dụng theo quy định của Luật tố cáo; nếu điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên có quy định khác về việc tố cáo của cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì được áp dụng theo điều ước quốc tế. Trong trường hợp cá nhân nước ngoài không ở Việt Nam cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật tại nước ta thì được coi là kiến nghị, phản ánh và sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, phục vụ yêu cầu công tác quản lý.

Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, bởi lẽ vấn đề này có yêu cầu tiếp nhận, giải quyết đặc thù và đã được quy định rất chặt chẽ và cụ thể trong pháp luật về tố tụng hình sự.

Về việc áp dụng các quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo được điều chỉnh trong những văn bản pháp luật ngoài Luật tố cáo. Bên cạnh Luật tố cáo - là đạo luật điều chỉnh chung về tố cáo và giải quyết tố cáo, thì hiện nay còn có một số văn bản pháp luật khác, với những hình thức rất khác nhau, có quy định riêng về tố cáo và giải quyết tố cáo như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhằm đảm bảo tính khả thi, bao quát hết tính đặc thù của việc giải quyết tố cáo trong từng lĩnh vực, với việc xác định nguyên tắc áp dụng pháp luật như khoản 3 Điều 3 sẽ tránh được tình trạng xung đột pháp luật (mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót). Như vậy, trường hợp luật khác có quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo thì mới áp dụng theo quy định của luật đó hoặc trong trường hợp luật khác quy định dẫn chiếu việc thực hiện theo Luật tố cáo thì việc giải quyết tố cáo trong lĩnh vực được áp dụng theo quy định tại Luật tố cáo. 

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.124.636
Truy cập hiện tại 742