Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại phần 4 - Mục I
False 9017Ngày cập nhật 18/03/2015

MỤC LỤC

Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại

Phần 1        Phần 2        Phần 3        Phần 4 Mục I        

Phần 4 Mục II        Phần 4 Mục III        Phần 4 Mục IV        Phần 4 Mục V

 

 

PHẦN IV TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHIẾU NẠI, VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ KHIẾU NẠI

Câu hỏi 28. Vì sao người khiếu nại phải khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết?

Trả lời:

Điều 12 Luật khiếu nại quy định người khiếu nại có nghĩa vụ khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây là một điều kiện quan trọng mà người khiếu nại phải thực hiện để khiếu nại của mình được tiếp nhận và giải quyết, bởi lẽ trong hoạt động quản lý nhà nước có sự phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể rõ ràng giữa các cơ quan, mỗi cơ quan có phạm vi trách nhiệm khác nhau. Do đó, một vụ việc khiếu nại chỉ có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của một cơ quan nhất định. Nếu người khiếu nại gửi đơn đến nhiều cơ quan không có thẩm quyền giải quyết dẫn đến lãng phí nhiều thời gian, tiền của cho cả người khiếu nại và các cơ quan phải xử lý đơn khiếu nại đó mà vụ việc vẫn không được giải quyết. Luật khiếu nại đã quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Chính vì vậy, trước khi gửi đơn khiếu nại, người khiếu nại phải tìm hiểu xem cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc của mình để thực hiện cho đúng, chỉ có như vậy thì khiếu nại mới được giải quyết nhanh chóng, quyền và lợi ích hợp pháp của người đi khiếu nại mới được khôi phục và bảo vệ một cách kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 29. Khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính, người khiếu nại phải làm những gì?

Trả lời:

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính, cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thì người khiếu nại có thể khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì người khiếu nại có thể khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, điểm mới theo Luật Khiếu nại 2011 là khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp mình, người khiếu nại có quyền khởi kiện ngay vụ án hành chính tại toà án đối với quyết định, hành vi đó mà không nhất thiết phải khiếu nại với người đã ban hành hoặc có quyết định hành chính, hành vi hành chính như quy định trước đây. Đây là quy định nhằm mở rộng quyền dân chủ trong việc khiếu nại, đồng thời tạo ra nhiều cơ chế giải quyết để người dân lựa chọn.

Câu hỏi 30. Người khiếu nại có thể khiếu nại thông qua hình thức nào?

Trả lời:

Hình thức khiếu nại là cách thức thực hiện quyền khiếu nại của công dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại Điều 8 của Luật khiếu nại thì người khiếu nại có thể khiếu nại bằng hai hình thức là khiếu nại thông qua đơn hoặc trực tiếp đến khiếu nại.

Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Câu hỏi 31. Ai là người đại diện cho cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền khiếu nại?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Luật khiếu nại thì ngoài đối tượng là công dân có quyền khiếu nại thì các cơ quan, tổ chức khi chịu tác động của các quyết định hành chính, hành vi hành chính mà có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó trái pháp luật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cũng có thể có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.

Do đó, khi cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại của mình cần phải thông qua người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Theo đó, cơ quan thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là thủ trưởng cơ quan. Thủ trưởng cơ quan có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại. Tổ chức, pháp nhân thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu tổ chức, pháp nhân được quy định trong quyết định thành lập tổ chức hoặc trong điều lệ của tổ chức, pháp nhân đó. Người đứng đầu tổ chức, pháp nhân có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại.

Nói như trên có nghĩa là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức mình. Khi tiến hành khiếu nại, người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức đó sẽ là người ký vào đơn khiếu nại; trực tiếp đi khiếu nại, trình bày những căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức mình và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức mình đáng được hưởng.

Câu hỏi 32. Thời  hiệu khiếu nại là bao nhiêu ngày?

Trả lời:

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Tuy nhiên, việc xác định thời hiệu khiếu nại gặp nhiều khó khăn vì trên thực tế có thể xảy ra trường hợp người khiếu nại không thực hiện được việc khiếu nại theo đúng thời hiệu, khi vụ việc liên quan đến thực hiện dự án diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, rất khó xác định được thời điểm công dân nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính, hoặc ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, cũng rơi vào tình trạng không xác định được thời gian công dân nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Chính vì vậy mà các cơ quan thụ lý và giải quyết khiếu nại không nên cứng nhắc trong việc xác định thời hiệu khiếu nại, mà nên căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định thời hiệu cho phù hợp, tránh để sót, để lọt,  nếu đơn khiếu nại có căn cứ thì nên thụ lý giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Câu hỏi 33. Trở ngại khách quan trong việc thực hiện quyền khiếu nại là gì?

Trả lời:

  Luật khiếu nại đã liệt kê những trường hợp trở ngại khách quan trong việc thực hiện quyền khiếu nại như: ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc hoặc những trở ngại khách quan khác,…. Tuy nhiên Luật khiếu nại cũng như các văn bản quy định chi tiết không làm rõ thế nào là trở ngại khách quan và thủ tục xác nhận để xác định những trường hợp được coi là trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thể thực hiện được việc khiếu nại theo đúng quy định.

Pháp luật dân sự quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây: sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

 Nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao số 02/2006/NQ-HĐTP thì định nghĩa "trở ngại khách quan" là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm cho toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định… để tính thời hiệu khởi kiện dân sự.

Như vậy, dù pháp luật khiếu nại không quy định thật sự rõ ràng về “trở ngại khách quan”, nhưng người giải quyết khiếu nại và thụ lý khiếu nại nên tham khảo các quy định khác để tính thời hiệu khiếu nại cho người khiếu nại trên tinh thần bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại nói riêng, của nhân dân nói chung.

Câu hỏi 34.  Trường hợp nào người khiếu nại được rút khiếu nại?

Trả lời

Rút khiếu nại là một trong những quyền của người khiếu nại được Luật khiếu nại năm 2011 kế thừa pháp luật về khiếu nại, tố cáo trước đây và được quy định thành một điều riêng. Bản chất của việc khiếu nại là người khiếu nại đề nghị xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ. Do đó, khi người khiếu nại thay đổi về nhận thức hoặc vì lý do khác mà cho rằng quyết định, hành vi đó không trái pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ có quyền rút khiếu nại. Theo quy định của Luật khiếu nại thì người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại

Việc ghi nhận quyền rút khiếu nại giúp người khiếu nại và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc khi người khiếu nại cảm thấy thỏa mãn với quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Câu hỏi 35. Những khiếu nại nào không được thụ lý giải quyết?

Trả lời

Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau không được thụ lý giải quyết:

-  Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

- Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại. Cần lưu ý đơn khiếu nại mà chữ ký hoặc điểm chỉ dưới dạng bản sao (photo) không được coi là có chữ ký và điểm chỉ;

- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

- Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

- Việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của tòa án.

Câu hỏi 36. Trong quá trình thực hiện việc khiếu nại, người khiếu nại có phải chấp hành quyết định hành chính mà mình khiếu nại hay không?

Trả lời:

Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính khi họ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong quá trình đó, họ vẫn phải chấp hành quyết định hành chính mà họ khiếu nại. Bởi vì, cơ quan nhà nước khi ban hành quyết định hành chính phải dựa trên các yếu tố thực tế và căn cứ vào các quy định của pháp luật. Một quyết định hành chính bị khiếu nại chưa thể coi là một quyết định bất hợp pháp mà cần phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan, có căn cứ. Việc đánh giá quyết định đó là đúng hay không đúng thuộc quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cần phải có thời gian nhất định. Luật khiếu nại cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa, khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại.

Trong hoạt động quản lý, cơ quan nhà nước có quyền ban hành quyết định hành chính có tính chất đơn phương, mệnh lệnh và những người có liên quan có nghĩa vụ thi hành. Hoạt động quản lý nhà nước rất đa dạng, bao trùm mọi lĩnh vực, vì thế, cần rất nhiều quyết định hành chính. Nếu mỗi quyết định hành chính khi bị khiếu nại đều bị tạm ngừng thi hành thì sẽ gây ách tắc, chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý. Do đó, trong khi khiếu nại, công dân vẫn có nghĩa vụ chấp hành quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính.  Tuy nhiên, nếu xét thấy việc thi hành đó sẽ gây ra hậu quả khó khắc phục thì cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ thi hành quyết định đó. Đồng thời, Luật khiếu nại cũng quy định khi có khiếu nại, người có thẩm quyền kiểm tra, nếu thấy quyết định đó là trái pháp luật thì sẽ sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định đó để ban hành quyết định mới cho phù hợp.

Câu hỏi 37. Người khiếu nại có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa hành chính trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Người khiếu nại có thể khởi kiện ra tòa hành chính trong bất cứ thời điểm nào, trước khi khiếu nại, sau khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần thứ hai, cụ thể như sau:

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại Điều 28 của Luật khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai quy định tại Điều 37 của Luật khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Đối với khiếu nại trong quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, việc khởi kiện tại tòa án hành chính chỉ cho phép đối với quyết định buộc thôi việc sau khi đã khiếu nại lần đầu mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu. Một điều cần lưu ý là cán bộ, công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng trở lên không có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án đối với quyết định buộc thôi việc.

Câu hỏi 38.  Khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, người khởi kiện có phải chấp hành quyết định hành chính mà mình khởi kiện hay không?

Trả lời:

Luật tố tụng hành chính tuy không quy định rõ khi thực hiện việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính tại tòa án, nguyên đơn có phải chấp hành quyết định hành chính mà mình khởi kiện hay không, nhưng có quy định về việc tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như: tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính; cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định.. Theo đó, việc tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật và việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục; việc tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính sẽ được áp dụng nếu tòa án có căn cứ cho rằng hành vi hành chính đó là trái pháp luật và việc tiếp tục thực hiện hành vi hành chính đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục.

Như vậy khi thực hiện việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra tòa án, nguyên đơn phải chấp hành quyết định hành chính mà mình khởi kiện trừ khi tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như đã nêu.

Câu hỏi 39. Điều kiện và thủ tục khởi kiện vụ án hành chính tại toà án?

Trả lời:

 Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2010 thì Toà án nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính do công dân, cơ quan, tổ chức khởi kiện.

Trước đây, theo Luật khiếu nại, tố cáo, để khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, người khiếu nại phải đã khiếu nại lần đầu nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại mà chưa có trả lời từ cơ quan có thẩm quyền; một vụ việc đã được người khiếu nại lựa chọn khởi kiện tại toà án thì người khiếu nại không được khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai nữa.

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Luật tố tụng hành chính, người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện ở bất kỳ thời điểm nào, trừ khi sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người khiếu nại vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khiếu nại (Điều 31 Luật tố tụng hành chính). Như vậy, có thể thấy các quy định pháp luật ngày càng mở rộng và tạo điều kiện cho người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua quyền khiếu nại, quyền khởi kiện.

Người khởi kiện phải viết đơn có nội dung chính sau: ngày, tháng, năm làm đơn; toà án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện; nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); các yêu cầu đề nghị toà án giải quyết; cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (Điều 105 Luật tố tụng hành chính).

Câu hỏi 40. Khiếu nại quyết định hành chính trong hoạt động quản lý điều hành của cấp trên đối với cấp dưới có được giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại không?

Trả lời:

Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, riêng đối với quyết định hành chính, hành chính mang tính chất chỉ đạo, điều hành, mang tính chất mệnh lệnh - phục tùng giữa các cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới, giữa lãnh đạo với nhân viên thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khiếu nại. Tất nhiên, cơ quan cấp dưới có quyền kiến nghị với cơ quan cấp trên về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện quyết định của cơ quan cấp trên nhưng không có quyền khiếu nại quyết định đó. Chính vì vậy, để bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và bảo đảm tính ổn định của nền hành chính, Điều 11 của Luật khiếu nại đã quy định: quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định thì không thuộc đối tượng thụ lý giải quyết. 

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.124.636
Truy cập hiện tại 708