Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại phần 2
False 10852Ngày cập nhật 18/03/2015

MỤC LỤC

Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại

Phần 1        Phần 2        Phần 3        Phần 4 Mục I        

Phần 4 Mục II        Phần 4 Mục III        Phần 4 Mục IV        Phần 4 Mục V

 

 

 

PHẦN II QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHIẾU NẠI, NGƯỜI BỊ KHIẾU NẠI, NGƯỜI GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, LUẬT SƯ, TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ

Câu hỏi 11. Khi thực hiện việc khiếu nại, người khiếu nại có những quyền gì?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 12 Luật khiếu nại, người khiếu nại có những quyền sau đây:

- Tự mình khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được uỷ quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác để khiếu nại. Quy định này nhằm bảo đảm quyền tự quyết định việc có khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình cho là đã xâm hại đối với quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật trong quá trình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khác với quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo trước đây, người khiếu nại không chỉ có quyền nhờ luật sư giúp đỡ, tư vấn pháp luật mà còn được ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc bổ sung quy định về luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia quá trình giải quyết khiếu nại là điểm mới, tiến bộ của pháp luật nhằm trợ giúp cho người dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Họ có thể ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý thay mặt mình để khiếu nại.

- Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Việc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại thực hiện theo pháp luật dân sự về ủy quyền.

-  Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước. Đây là quy định mới so với Luật khiếu nại, tố cáo trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền của mình và giám sát quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước.

- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.

- Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại.

- Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó. Quyền đưa chứng cứ và giải trình ý kiến của người khiếu nại về chứng cứ khiếu nại là quyền để người khiếu nại chứng minh các yêu cầu của mình là có căn cứ, có cơ sở.

- Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại.

 - Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Quy định này tạo điều kiện cho người khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án.

- Rút khiếu nại: quy định này nhằm tạo điều kiện cho người khiếu nại tự xem xét lại việc khiếu nại của mình và tạo khả năng sớm chấm dứt việc khiếu nại khi họ thấy việc khiếu nại không đúng. Trong thực tế, trong quá trình khiếu nại đang được xem xét, giải quyết nếu người khiếu nại thấy việc khiếu nại của mình là thiếu căn cứ hoặc quyền, lợi ích của mình không bị xâm phạm thì họ có quyền rút đơn, chấm dứt việc khiếu nại của mình.

Câu hỏi 12. Khi thực hiện việc khiếu nại, người khiếu nại có những nghĩa vụ gì?

Trả lời

Điều 12 Luật khiếu nại quy định nghĩa vụ của người khiếu nại như sau:

- Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết. Đây là quy định nhằm bảo đảm việc thực hiện khiếu nại được chính xác, kịp thời, tránh tốn kém thời gian, công sức của người khiếu nại và của cơ quan Nhà nước.

- Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó. Đây là một nghĩa vụ của người khiếu nại xuyên suốt cả quá trình xem xét, giải quyết vụ việc nhằm giúp cho cơ quan nhà nước thụ lý, xem xét giải quyết có những thông tin, tài liệu chính xác để đưa ra những quyết định đúng đắn.

-  Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Câu hỏi 13. Khi thực hiện việc khiếu nại, người bị khiếu nại có quyền gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Luật khiếu nại, khi bị khiếu nại, người bị khiếu nại có quyền chứng minh cho việc làm của mình là đúng quy định pháp luật. Do vậy, họ có quyền đưa ra chứng cứ về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; được biết, đọc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó để giao cho người giải quyết khiếu nại và được nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Người bị khiếu nại có quyền nhận quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai hoặc bản án, quyết định của toà án đối với khiếu nại mà mình đã giải quyết nhưng người khiếu nại tiếp tục khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án.

Câu hỏi 14. Khi bị khiếu nại, người bị khiếu nại có các nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Luật khiếu nại, người bị khiếu nại có các nghĩa vụ:

- Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

- Chấp hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

- Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị kiểm tra, xác minh yêu cầu trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu;

- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;

- Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại;

- Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 15. Trường hợp nào người khiếu nại được nhờ trợ giúp viên pháp lý trong việc khiếu nại?

Trả lời:

Theo quy định của Điều 12 Luật Khiếu nại, trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Điều 1 Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm:

- Người nghèo người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật;

- Người có công với cách mạng được trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

-  Người già từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa;

- Người khuyết tật theo Luật người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa

- Trẻ em dưới 16 tuổi không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

- Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người.

Như vậy theo quy định của Luật khiếu nại và pháp luật về trợ giúp pháp lý thì người khiếu nại ở trong một các trường hợp nêu trên thì được trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ để được thực hiện việc khiếu nại hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Câu hỏi 16. Luật sư, người trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ gì trong quá trình giải quyết khiếu nại?

Trả lời:

Để đảm bảo giải quyết nhanh chóng, chính xác, khách quan các khiếu nại, đáp ứng yêu cầu dân chủ hoá trong hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính, Luật khiếu nại đã cụ thể hoá vai trò của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính, theo đó người khiếu nại có quyền nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư, người trợ giúp pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại và  luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại

          Để đảm bảo và phát huy vai trò của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính, Luật khiếu nại quy định về quyền của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính như sau: tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.

Luật sư, trợ giúp viên pháp lý khi tham gia giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ như sau: xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền của người khiếu nại; thực hiện đúng nội dung, phạm vi mà người khiếu nại đã ủy quyền.

Câu hỏi 17. Người giải quyết khiếu nại lần đầu có những quyền và nghĩa vụ  gì?

Trả lời:

Người giải quyết khiếu nại lần đầu có các quyền: yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để làm cơ sở giải quyết khiếu nại; quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định tại Điều 35 của Luật khiếu nại.

Nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu:

- Tiếp nhận khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp về việc thụ lý giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính khi người khiếu nại yêu cầu; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình; trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì phải thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại yêu cầu; cung cấp hồ sơ giải quyết vụ việc giải quyết khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại lần hai hoặc tòa án yêu cầu.

- Giải quyết bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngoài ra, người giải quyết khiếu nại lần đầu có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 18. Người giải quyết khiếu nại lần hai có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

- Người giải quyết khiếu nại có các quyền: yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở giải quyết khiếu nại; quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn; triệu tập cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia đối thoại; trưng cầu giám định; tham khảo ý kiến của hội đồng tư vấn khi xét thấy cần thiết.

- Người giải quyết khiếu nại có các nghĩa vụ: tiếp nhận, thụ lý, lập hồ sơ vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết; kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; ra quyết định giải quyết khiếu nại và công bố quyết định giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại, người bị khiếu nại, tòa án yêu cầu.

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.124.636
Truy cập hiện tại 723