Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND huyện tại buổi làm việc đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội xã Hương Sơn
False 8878Ngày cập nhật 23/11/2023

        Ngày 16/11/2023, tại hội trường Huyện ủy, đồng chí Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Tham dự chỉ đạo có đồng chí Trần Thị Hoài Trâm - TUV- Bí thư Huyện ủy; đồng chí Mai Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Hương Sơn.

 

        Sau khi nghe lãnh đạo UBND xã Hương Sơn thông qua Dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy, ‎Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ý kiến tham gia, đề xuất của các thành viên dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND huyện kết luận:

        Đánh giá cao tinh thần nỗ lực của lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể xã Hương Sơn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2023. Đến nay, xã đã thực hiện đạt 14/14 chỉ tiêu đề ra trong năm, trong đó nổi bật một số chỉ tiêu như: Tổng sản lượng lương thực có hạt là 411,8 tấn; Tổng giá trị đầu tư toàn xã hội là 47 tỷ đồng; người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 9 người (KH: 3-4 người)....

      Để thực hiện duy trì và nâng cao các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023; chuẩn bị thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024. UBND xã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ý kiến tham gia, đề xuất của các phòng, ban cấp huyện để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo. Tập trung rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 sát với tình hình thực tế địa phương; đồng thời, rà soát lại những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra của năm trước để tiếp tục khắc phục và sửa chữa trong những tháng còn lại của năm 2023.

2. Kế hoạch năm 2024: Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với thực tế của địa phương như sau:

- Nhóm các chỉ tiêu kinh tế: Thống nhất 04 chỉ tiêu, trong đó: Thu nhập bình quân đầu người 53 triệu đồng/người/năm.; Tổng sản lượng lương thực có hạt 410,9 tấn. Tổng giá trị đầu tư toàn xã hội 100 tỷ đồng; phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch để điều chỉnh chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn cho phù hợp.

- Nhóm các chỉ tiêu xã hội: Thống nhất 07 chỉ tiêu, trong đó: Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 9‰; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 3% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025); Tỷ lệ lao động qua đào tạo lao động 76%; Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 5 người; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao dưới 19%; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT 100%; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH 30% (trong đó tự nguyện 11,5%).

- Nhóm chỉ tiêu môi trường: Thống nhất 05 chỉ tiêu, trong đó: Tỷ lệ độ che phủ rừng là 80%; Tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt 100%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý 100%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch 100%; bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100%.

- Chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới:  Duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thôn Ta Rung đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

- Chương trình trọng điểm năm 2024 thống nhất như sau: Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

3. Một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung:

a) Lĩnh vực Kinh tế

- Trồng trọt, kinh tế vườn: Đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình sản xuất đặc biệt là phát triển kinh tế vườn nhà, vườn đồi; xác định cây trồng có giá trị cao; tập trung đẩy mạnh phát triển cây cam, dứa, chuối, cau,... Tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng công tác chăm sóc, cải tạo vườn. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng diện tích trồng dứa.

- Chăn nuôi: Phát triển vùng chăn nuôi theo hướng hữu cơ; quan tâm công tác phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm, đẩy mạnh công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm; nâng cao chất lượng đàn bò, gia cầm; thực hiện chăn nuôi có chuồng trại gắn với công tác bảo vệ môi trường; nâng cao phát triển một số mô hình nuôi lợn rừng lai thả vườn trên địa bàn xã.

- Về lâm nghiệp: Tập trung chỉ đạo chuyển hóa sang rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng có hiệu quả kinh phí quản lý, bảo vệ rừng được nhà nước giao cho cộng đồng dân cư; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên.

- Tài nguyên - Môi trường: Rà soát xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan đến hồ sơ  đất đai; xử lý nghiêm các hoạt động công trình đầu tư xây dựng và xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp; phối hợp với cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp mới, cấp đổi; có biện pháp bảo vệ môi trường và thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải; duy trì chương trình Chủ nhật xanh trên địa bàn xã.

- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiêp: Rà soát lực lượng lao động thiếu việc làm để đào tạo nghề, định hướng làm việc tại Công ty TNHH Kimsora và các doanh nghiệp khác; tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất các ngành nghề hiện có tại địa phương như nghề dệt zèng, đan lát...

- Thu ngân sách: Rà soát các nguồn thu để có giải pháp tăng thu ngân sách địa phương đảm bảo và vượt kế hoạch; thực hiện tốt thu phí tài nguyên môi trường; công khai minh bạch các khoản thu, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, đảm bảo theo đúng quy định.

- Kinh tế tập thể: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; phát huy ý thức gắng kết hợp tác xã; liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại địa phương.

b) Về lĩnh vực Văn hoá, Xã hội

- Giáo dục: Thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, hạn chế mức thấp nhất học sinh trung học cơ sở bỏ học giữa chừng; nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Xây dựng đơn vị học tập cấp xã, phát huy dòng họ học tập, gia đình học tập.

- Xã hội, Y tế: Quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tình trạng tái nghèo; không phát sinh nhà tạm; quan tâm hỗ trợ, chăm sóc các gia đình chính sách người có công với cách mạng, hộ bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền vận động người dân mua thẻ BHYT; tăng cường công tác tuyên truyền, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và sinh con thứ 3 trở lên; không để xảy ra tình trạng tảo hôn; tăng cường quản lý tốt công tác dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng….

- Văn hóa, du lịch: Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Phấn đấu có trên 96% gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hoá và 90% thôn, cơ quan đạt chuẩn văn hóa lần 4. Thực hiện tốt các quy ước, hương ước đã được xây dựng ở các thôn. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, xây dựng nếp sống văn minh nông thôn. Ngăn chặn đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín. Phát huy hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền, nghiên cứu và chọn lọc nội dung tuyên truyền phù hợp.

c) Nội chính

- Quốc phòng, an ninh: Chuẩn bị tốt công tác tuyển quân năm 2024; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường công tác quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt trong dịp Lễ, Tết; chuẩn bị đầy đủ lực lượng và phương tiện, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc vi phạm quy định khi tham gia giao thông.

- Dân tộc, tôn giáo: Quản lý không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền các loại tôn giáo trái phép, mê tín dị đoan; tuyên truyền giáo dân, tín đồ chăm lo phát triển kinh tế - xã hội; hạn chế việc tổ chức Lễ cưới, ma chay lãng phí.

- Cải cách hành chính: Tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền số, chyển đổi số; đẩy mạnh dịch vụ công mức độ 3 và 4; kịp thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, UBND tỉnh; tăng cường giám sát Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước và có biện pháp xử lý với những tập thể, cá nhân vi phạm.

 

Võ Thị Kim Chi
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.078.030
Truy cập hiện tại 725