Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Bài viết Lan toả di sản văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số đến gần với công chúng hơn
False 9302Ngày cập nhật 19/10/2023

Trong không gian văn hoá đa dạng, đầy màu sắc, rất nhiều hình ảnh, hiện vật của đồng bào Cơtu từ xưa đến nay đã được giới thiệu đầy sinh động trong trưng bày chuyên đề: Di sản văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông, được Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp huyện Nam Đông tổ chức tại Nhà Văn hoá dân tộc huyện Nam Đông. Qua đó, góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Với hơn 100 hình ảnh, 80 hiện vật đã giới thiệu đến công chúng về: Thiên nhiên và con người; Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông…. đã thu hút rất đông người dân và học sinh trên địa bàn huyện quan tâm đến tham quan và tìm hiểu. Các hình ảnh, hiện vật về đời sống tín ngưỡng, các trang phục, dụng cụ phục vụ đời sống, sản xuất, lễ hội, kiến trúc… được Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế tiến hành sưu tầm, tư liệu hoá, lưu giữ đã giới thiệu đến người dân bức tranh văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, nhiều sắc màu về phong tục tập quán, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây qua nhiều thế hệ được gìn giữ và phát huy. Em Trần Lê Bích Trâm, Học sinh Trường THCS – DTNT huyện Nam Đông vui vẻ nói: Em rất vui khi được tham gia các hoạt động trưng bày do Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức. Em mong trong thời gian tới, các cô chú sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động như thế này nữa để chúng em có thể tìm hiểu, học hỏi về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

          Là một trong những nghệ nhân được mời tham gia trình diễn, giới thiệu tại triển lãm, cầm chiếc giỏ nhỏ được làm từ mây, đan rất tỉ mĩ, kỳ công trên tay, ông Trần Văn Xuông, thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông giới thiệu, đây là chiếc giỏ thường được đồng bào Cơtu sử dụng hàng ngày, dùng để xúc cá, hoặc mang khi đi gieo lúa. Ông Trần Văn Xuông bày tỏ: “Để làm được những vật dụng này, tôi cũng đã học nghề từ cha, ông và các nghệ nhân đi trước, sau này tôi sẽ truyền lại cho con, cháu để nghề truyền thống cũng như bản sắc văn hoá của đồng bào Cơtu không bị mai một”.

Song song với hoạt động trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế còn phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông tổ chức bàn giao các trang thiết bị văn hóa như sách, giá sách, nhạc cụ, đạo cụ… phục vụ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể cho một số xã trên địa bàn huyện. Chương trình hướng đến góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho các đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Đông gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng. Thông qua các hoạt động trưng bày và bàn giao các trang thiết bị văn hóa đã truyền đi thông điệp về bảo tồn di sản văn hóa; nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội và quá trình phát triển của vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung, của huyện Nam Đông nói riêng. Góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, ý thức tôn trọng, giữ gìn về vị trí, vai trò, ý nghĩa giá trị tinh hoa các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong tiến trình phát triển xã hội. Đặc biệt, thông qua trưng bày đã đưa di sản văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số đến gần hơn với công chúng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thông qua hoạt động trưng bày, triển lãm hôm nay tại huyện Nam Đông, chúng tôi mong muốn được góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ trên địa bàn huyện Nam Đông và mà cả địa bàn Thừa Thiên Huế. Ngoài hoạt động trưng bày, triển lãm các bộ phận chuyên môn của Bảo tàng còn thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm và sau khi thực hiện xong chúng tôi sẽ hình thành các bộ khung tư liệu, để bàn giao cho các huyện lưu giữ và sử dụng lâu dài. Ngoài ra, đây còn là nguồn tư liệu để Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu và từ kết quả nghiên cứu sẽ có kế hoạch, nội dung để phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông nói riêng và địa bàn Thừa Thiên Huế nói chung”.

          Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hoá nói chung, văn hoá truyền thống các các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng trong giai đoạn hiện nay là quan trọng và cấp thiết; là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được thực hiện song song với các chính sách về kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực cho sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sự sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, không chỉ để các giá trị văn hoá truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác mà còn bảo tồn nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc và tính đa dạng của văn hóa Huế.

 

Quỳnh Trang
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.078.030
Truy cập hiện tại 3.499