Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Bài viết Xây dựng và phát triển thương hiệu chè hữu cơ
False 3008Ngày cập nhật 19/08/2023

       Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, người trồng chè trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông đang dần chuyển đổi từ hình thức canh tác truyền thống sang trồng chè theo phương pháp hữu cơ. Cách làm này đã giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, dần khẳng định chất lượng và hướng tới tạo dựng thương hiệu chè Nam Đông.

 

        Vùng đất Hương Hoà, nay là Hương Xuân “nổi danh” một thời với tên gọi “nông trường chè”, bởi nơi đây được biết đến là vùng trồng chè lớn nhất của huyện miền núi Nam Đông. Theo thời gian, diện tích chè ngày càng thu hẹp, do giá thành thấp, sản xuất không đảm bảo đời sống cho người dân nên hiện nay chỉ còn vài hộ trồng, tập trung ở thôn 9 và thôn 10, xã Hương Xuân. Gắn bó với cây chè từ khi còn trẻ, nên dù biết thu nhập không được là bao nhưng chị Trần Thị Nghĩa vẫn duy trì việc trồng và chăm sóc đồi chè của gia đình mình. Khi được Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Đông định hướng, chuyển đổi sang trồng chè theo phương pháp hữu cơ để giúp tiếp tục giữ đồi chè và xây dựng chất lượng, thương hiệu chè Nam Đông sang một hướng mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chị Nghĩa đã rất nhiệt tình tham gia với hy vọng cách làm này sẽ giúp đời sống gia đình chị ngày càng tốt hơn. Chị Trần Thị Nghĩa, Thôn 9, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông phấn khởi: “Năm nay được Phòng Nông nghiệp huyện giới thiệu và hướng dẫn gia đình tôi trồng, chăm sóc chè theo phương pháp hữu cơ như yêu cầu của Công ty Quế Lâm. Ban đầu, đã thấy có những thay đổi, đọt chè xanh, non búp đẹp hơn trước đây. Còn về giá cả thì hy vọng sau này công ty Quế Lâm thu mua thì chè bán sẽ được giá cao hơn và đời sống gia đình sẽ dần ổn định hơn bây giờ”.

          Hiện nay, tổng diện tích trồng chè trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 2ha, trong đó có hai hộ tham gia trồng chè theo phương pháp hữu cơ diện tích 0,6ha. Chị Hoàng Thị Diễm, Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết: Với cách làm mới này, mất nhiều công sức khi quá trình làm cỏ hoàn toàn thủ công, làm bằng tay không sử dụng thuốc diệt cỏ; việc bón phân trước đây sử dụng phân bón hoá học nay được thay thế hoàn toàn bằng các loại phân bón hữu cơ từ các loại rơm rạ, cây cỏ dại ủ với chế phẩm sinh học, chăm sóc bằng thuốc trừ sâu sinh học không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Tuy có những khó khăn, vất vả, nhưng bước đầu đã có sự thay đổi tích cực khi cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe, chè đẹp và ra nhiều búp hơn.

       “Trong quá trình thực hiện đã được người dân hưởng ứng và làm theo đúng quy trình hướng dẫn, hiện nay cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng đảm bảo. Tập đoàn Quế Lâm đánh giá chất lượng đã đáp ứng yêu cầu thì giá cả thu mua cao hơn so với thị trường và đầu ra ổn định hơn. Từ đó, giúp người trồng chè trên địa bàn huyện Nam Đông có điểm bán ổn định và mạnh dạn đầu tư sản xuất và mở rộng mô hình trồng chè hữu cơ này”. Chị Hoàng Thị Diễm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết thêm.

       Để có những chén trà xanh ngon được làm từ những búp chè non hái trong sương sớm, người nông dân phải trải qua nhiều công đoạn, như: phơi héo chè, luộc, vò, diệt men, nhồi chè, sấy khô (sau khi sấy khô gọi là trà xanh).... trong quá trình đó cần đảm bảo các yêu cầu về thời gian và nhiệt độ khi tiến hành các bước cũng khác nhau. Với sự tỉ mẫn, kiên trì, chịu khó và kinh nghiệm của những người làm chè lâu năm mới cho ra được những sản phẩm trà xanh đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ (chè khô có hình móc câu), nước trà xanh tươi, đượm vị, ngọt hậu và giữ được hương thơm đặc trưng của chè.

        Với kinh nghiệm hơn 35 năm trồng chè, bà Phạm Thị Lắc, thôn 9, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông rất tâm đắc chia sẻ: “Mệ trồng chè từ năm 1985, đến nay hơn 35 năm rồi nên mệ có kinh nghiệm trong trồng và uống chè. Bây giờ, làm chè hữu cơ này, mệ thấy chè ngon, nước uống có hương vị đậm đà hơn. Mệ trông sản phẩm này khi đưa ra thị trường được nhiều người ưa uống để cho có hiệu quả, có thu nhập cho người trồng chè và giới thiệu nhiều người biết về chè Nam Đông”.

          Với mong muốn nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Nam Đông, người dân huyện miền núi Nam Đông đã và đang nỗ lực chuyển đổi từ cách làm thông thường sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người trồng chè cũng như người tiêu dùng, vừa chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước xây dựng, tạo chỗ đứng cho thương hiệu chè Nam Đông trên thị trường.

       

 

Quỳnh Trang
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.078.030
Truy cập hiện tại 1.709