Tìm kiếm
 
 
 
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

THÀNH TỰU VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
False 13296Ngày cập nhật 03/02/2021

Thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Nam Đông là huyện miền núi, được tái lập năm 1990, với điều kiện kinh tế -xã hội trong thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn nhất là về cơ sở hạ tầng, nền kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, dựa và nông nghiệp.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, các Sở ban ngành cấp tỉnh, Đảng bộ, quân và dân toàn huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, bám sát Nghị quyết của Đảng, xây dựng huyện Nam Đông phát triển vững mạnh trên mọi lĩnh vực. Nông nghiệp tập trung vào những cây chủ lực như cam, chuối đặc sản, dứa, ổi, cau xuất khẩu, cây cao su, trồng rừng kinh tế...Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; chăn nuôi được đẩy mạnh, gia trại, trang trại được hình thành; dịch vụ, du lịch được phát triển, hình thành các cụm công nghiệp; ngành may từng bước mở rộng, thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng lên.

Đ/C Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm các gia đình hộ chính sách trên địa bàn huyện

Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư kiên cố hóa, điện chiếu sáng, nước sạch hầu hết đã đến các hộ gia đình; các trục đường giao thông đã được nhựa hoá đến trung tâm các xã, bê tông đến trục liên thôn, liên xóm và vùng sản xuất tập trung; tuyến đường La Sơn - Nam Đông và trung tâm huyện được nâng cấp khang trang; đường cao tốc La Sơn - Túy Loan hoàn thành tạo lợi thế cho huyện. Doanh nghiệp phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, đến nay đạt gần 40 triệu/người/năm, nhân dân đầu tư chỉnh trang nhà cửa khang trang, bộ mặt xã hội từng bước khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hàng năm 4,77%/năm; thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/ha/năm; năng suất lúa đạt bình quân trên 53 tạ/ha/vụ; toàn huyện có 78 gia trại, 4 trang trại chăn nuôi tập trung. Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 20,10% năm; dịch vụ, du lịch thương mại phát triển và ngày càng mở rộng, bình quân hàng năm tăng 19,28%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 98%; có 25 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 10%; 100% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 93% cơ quan công nhận và giữ vững văn hóa, 90% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%; tổng thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 12,9%; toàn huyện có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác cải cách hành chính đã được phát huy, đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, triển khai thực hiện tốt đề án xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, thành lập Trung tâm Hành chính công huyện, giải quyết kịp thời cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015. Với kết quả trên năm 2019 là đơn vị dẫn đầu khối UBND huyện, thị xã, thành phố của tỉnh trong đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động, đứng thứ 3 về chỉ số cải cách hành chính, đứng đầu về chỉ số Chính quyền điện tử. Công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức được ưu tiên quan tâm, chọn những người có năng lực, đủ tâm, đủ tài để đảm nhiệm trên các lĩnh vực kinh tế -xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Với những thành tựu trên, huyện đã vinh dự được Tỉnh cho phép tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập huyện, 15 công nhận Huyện Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba.

Những định hướng đột phá phát triển kinh tế-xã hội

Để đạt được mục tiêu xây dựng huyện Nam Đông đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết đã đề ra; gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, du lịch sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phát triển văn hoá - du lịch theo hướng bền vững; quốc phòng, an ninh được  giữ vững; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Để tạo sự đột phá trong giai đoạn tới, Nam Đông xác định 3 chương trình trọng điểm, gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển đô thị và chương trình phát triển văn hóa - du lịch. Trên cơ sở đó, huyện tập trung vào 3 đột phá là: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu gia trại, trang trại tập trung. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa. Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch du lịch ở những vùng, điểm lợi thế, thế mạnh của huyện để có cơ sở pháp lý kêu gọi nguồn lực đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình phát triển cam Nam Đông

Để đạt được mục tiêu đề ra tập trung thực hiện các chính sách đầu tư, có cơ chế ưu đãi, đặc thù để khai thác tối đa các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, huy động tối đa các nguồn đầu tư, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư; có chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các nhà đầu tư có uy tín, có tiềm lực; tập trung khuyến khích đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm và tiềm năng, thế mạnh của huyện; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất và đời sống; tập trung nguồn lực đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào các chuổi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, cây đặc sản, các dự án chế biến, bảo quản nông sản. Trong đó thực hiện các đề tài sản xuất có tính thực tiễn cao như xây dựng vườn cam giống, trồng dứa Kayen, chuối đặc sản bằng giống chuối cấy mô, mô hình trồng rau-hoa trong nhà lưới, nhà màng…áp dụng rộng rãi ứng dụng các chế phẩm sinh học góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo về môi trường. Phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân 8-8,4%/năm; thu nhập bình quân đầu người 60-65 triệu đồng/người/năm; thu nhập ngân sách tăng bình quân hàng năm trên 12%; tổng đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 8%/năm; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 90 - 95% trở lên; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 98,5%; giảm ½ số hộ nghèo trong  5 năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử.

Tuy nhiên, để đạt được định hướng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân phải đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực cao, có như vậy mới xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Trần Quốc Phụng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Lê Minh Huân
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.150.679
Truy cập hiện tại 7.110